Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất: Tập trung cho xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Chilica tiếp cận khách hàng nước ngoài để giới thiệu sản phẩm Anh: U.P
Chilica tiếp cận khách hàng nước ngoài để giới thiệu sản phẩm Anh: U.P
TP - Hậu giãn cách, doanh nghiệp (DN) phía Nam đang bắt đầu phục hồi, tăng tốc sản xuất phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm, từ đó mở ra hướng phát triển bền vững hơn.

Nhiều triển vọng

Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh, TPHCM, đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica) báo tin vui, đến nay nhà máy đã khôi phục sản xuất hơn 90% sau khi thành phố mở cửa.

“Sau khi dịch lắng xuống, DN trên đà hồi phục tốt. Hơn 500 điểm phân phối sản phẩm của Chilica tại TPHCM đã bắt đầu nhập hàng và giới thiệu đến người tiêu dùng. Công ty đã đầu tư dây chuyền tự động, công suất lớn để sản xuất phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhờ tự động và số hoá ngay từ đầu nên Công ty đã giảm được những khó khăn do dịch gây ra. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường của Nhật Bản, châu Âu để mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch. Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp DN có thêm động lực khôi phục sản xuất sau dịch”, ông Hiền chia sẻ.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho hay, hơn một năm qua, DN này đã làm việc với Bình Dương để nghiên cứu đưa bưởi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do dịch bệnh, bưởi Bình Dương vẫn chưa thể đến xứ cờ hoa. Với dưa lưới Bình Dương đang nhận được sự quan tâm của các siêu thị ở thị trường Trung Quốc. “Ngoài thị trường Mỹ, Trung Quốc, công ty đang tiếp cận thị trường các nước khác và sẽ tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm sau khi dịch được kiểm soát”, lãnh đạo Công ty Chánh Thu cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương đánh giá, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước cũng như thế giới. Tuy nhiên, các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, cầu hàng hóa trên thị trường đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để các DN Bình Dương đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực. Các hiệp định thương mại tự do đang được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung thâm nhập sâu vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.

Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, Bình Dương đã tổ chức các hội thảo trực tuyến với DN nước ngoài, nhằm làm cầu nối tìm nguồn ra bền vững cho sản phẩm hậu COVID-19.

HƯƠNG CHI

Ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc cho biết, công ty chuyên sản xuất nội thất cao cấp cung cấp cho các công ty xuất khẩu. Châu Âu là thị trường lớn, tiềm năng, có sự ổn định về kinh tế, đón nhận hàng giá trị cao. Hiện nay, Công ty Triệu Phú Lộc đang tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai cho biết: “Các DN đang cố gắng khôi phục 100% công suất để đáp ứng các đơn hàng cuối năm đã ký kết và nhận thêm đơn hàng cho năm sau. Nếu địa phương khống chế dịch bệnh tốt, kịp thời tháo gỡ khó khăn về chính sách cho DN thì kinh tế sẽ phục hồi nhanh”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các khu chế xuất - khu công nghiệp có số DN đăng ký hoạt động trở lại là 1.342; tổng số lao động là 216.000; Còn tại Khu Công nghệ cao TPHCM đã có 100% DN hoạt động trở lại. Có 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp - khu chế xuất đang hoạt động.

Bệ đỡ cho DN tăng tốc

Chia sẻ về những “bệ đỡ” cho DN hậu giãn cách, lãnh đạo Chilica cho hay, đơn vị được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) hỗ trợ nhiều về việc kết nối cung cầu, giới thiệu xuất khẩu hàng hóa; tham gia cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) để tổ chức các buổi bán hàng, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để có cơ hội quảng bá nông Sản Việt…

Nhìn nhận về gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với DN sau dịch, ông Hiền cho rằng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN sau dịch như kết nối ngân hàng với DN, hỗ trợ giảm, giãn thuế… Công nhân được nhận các gói an sinh, tiêm vắc xin đầy đủ… giúp họ yên tâm, đồng hành cùng thành phố trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh. “Tuy nhiên, bản thân DN cũng phải chủ động, ứng biến linh hoạt để tìm thị trường, khách hàng, tìm đường đi hiệu quả cho bản thân DN sau dịch”, ông Nguyễn Thanh Hiền nói.

Ông Đặng Văn Điềm - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho hay, dù có những khó khăn khác nhau nhưng thời gian qua, hơn 500 hội viên của Hội đã đồng hành với địa phương trong phòng, chống dịch. Các DN mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhất là về thu hút lao động trở lại làm việc, thủ tục xuất nhập cảnh với các chuyên gia nước ngoài để đơn vị kinh doanh sớm ổn định sản xuất.

MẠNH THẮNG

Đối với đầu ra cho nông sản, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, để kích thích tăng trưởng, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Nai đã khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp của Đảng, Chính phủ. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình hình mới theo kế hoạch đã ban hành.

“Đồng Nai đã trao quyền tự chủ trong sản xuất, phòng chống dịch cho doanh nghiệp để doanh nghiệp nhanh chóng ổn định, phục hồi sản xuất”, ông Dũng cho biết.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, hiện nay không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực. Tuy nhiên, các DN gặp nhiều khó khăn, thiếu nguyên liệu và chuỗi cung ứng vẫn chưa thông suốt. Chi phí đầu vào rất cao, dòng tiền đứt gãy, vốn của DN cạn kiệt… nên sức phục hồi không thể nhanh được.

Để giúp DN phục hồi sớm trong thời gian tới, Hiệp hội kiến nghị TPHCM đơn giản hóa thủ tục hành chính; thành lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với hiệp hội tháo gỡ ngay những khó khăn của DN. Ngoài ra, TPHCM cần ban hành một số chính sách giúp giảm chi phí sản xuất cho DN như: Tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước…

Sở Công thương TPHCM cho biết, đang tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng (NH với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý 4/2021 nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Dù còn khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn cung cấp nguyên liệu cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhập khẩu đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.