Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để cát tặc hoành hành

Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt cát tặc lúc nửa đêm
Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt cát tặc lúc nửa đêm
TPO - Liên quan đến việc cát tặc hoành hành trên sông Lô, sông Hồng, ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, doanh nghiệp được cấp phép khai thác và nạo vét lòng sông phải chịu trách nhiệm trước hoạt động của cát tặc.

Dân phát hiện cát tặc, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Khước – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, trên địa bàn có 3 tuyến sông chảy qua gồm sông Hồng, sông Lô và sông Đáy. Theo đó, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 30 đơn vị được cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi. Trong đó tuyến sông Lô hiện có 8 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ và 3 doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) chấp nhận chủ trương cho nạo vét luồng đường thủy nội địa và tận thu sản phẩm.

Cách đây gần một năm, tình trạng khai thác cát diễn ra khá rầm rộ, thậm chí có cả những đối tượng từ Hà Nội lên đứng ra “bảo kê” khai thác cát trái phép, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Để dẹp tình trạng cát tặc hoành hành, chúng tôi đã quy trách nhiệm cho các đơn vị cấp phép.

Theo đó, những đơn vị này sẽ được cơ quan chức năng giao cho từng khúc sông cụ thể để vừa khai thác, vừa nạo vét và quản lý. Nếu trường hợp người dân phát hiện tố giác xuất hiện cát tặc thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Nếu đơn vị nào bưng bít thông tin thì sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

Kể từ cuối năm 2015 đến nay, việc giao trách nhệm cho doanh nghiệp quản lý đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các hoạt động cát tặc được thông tin và chặn đứng. Ông Khước cho rằng, không ai nắm rõ thông tin và am hiểu cát tặc bằng các đơn vị đang được cấp phép khai thác, nạo vét. Chính vì thế “nhất cử, nhất động” của các đối tượng khai thác cát trái phép sẽ được phối hợp xử lý kịp thời.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung (ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô) nói, hoạt động khai thác cát trước đây diễn ra mạnh mẽ, người dân cũng sợ việc khai thác cát làm sạt lở bãi bồi, đất canh tác nên đã phản ánh đến chính quyền. Các đối tượng cát tặc thường khai thác rất bừa bãi, cho tàu cuốc tàu hút cắm sát vào bờ khiến ruộng vườn của chúng tôi bị trôi sông. Kể từ đầu năm 2016 tới nay, khi phát hiện cát tặc chúng tôi phản ánh là lập tức cơ quan chức năng có mặt cùng phối hợp với người dân để xử lý kịp thời nên nạn cát tặc bị chặn đứng - bà Nhung nói.

Phối hợp với Hà Nội để truy quét cát tặc

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu để cát tặc hoành hành ảnh 1 Doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải chịu trách nhiệm về hoạt động cát tặc.

Đại úy Phùng Quốc Trưởng - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, tình trạng khai thác cát trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Phòng Cảnh sát Đường thủy; Công an các huyện và chính quyền địa phương… để có những giải pháp kiên quyết xử lý mạnh tay, không để “cát tặc” lộng hành gây mất an ninh trật tự.

Hằng năm, chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nhiều vụ cùng hàng chục đối tượng vi phạm với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Trong công tác phối hợp địa bàn giáp ranh, lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn giao một số vụ, đối tượng cho Công an TP Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Đang - Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu, Sông Lô cho biết, trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra trên địa bàn cũng khá phức tạp, tranh giành địa bàn khai thác dẫn đến ẩu đả. Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, việc tuyên truyền nhận thức pháp luật của các doanh nghiệp, người dân được đẩy mạnh nên tình hình an ninh trật tự đã được ổn định.

Điều đáng nói, Sở TN&MT đã có sáng kiến giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp được cấp phép phải chịu trách nhiệm về từng khúc sông. Chính vì thế khi có tàu thuyền lạ xuất hiện bất cứ thời điểm nào, các đơn vị này đều nắm rõ. Chính vì thế cát tặc trên địa bàn bị truy quét tận gốc, rễ. Việc giao trách nhiệm cho doanh nghiệp khai thác phối hợp với người dân quản lý đã không còn xảy ra tình trạng các tàu thả vòi cắm sát vào bờ để hút cát dẫn đến sạt lở gây ảnh hưởng đến việc thâm canh của người dân – ông Đang nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.