Doanh nghiệp phải chi 64 triệu đồng cho thủ tục xây dựng

TPO - Trong khi thuế, hải quan... thuộc top rẻ nhất, thì xây dựng, môi trường, đầu tư lại lọt vào “top” “đắt đỏ” nhất, với chi phí tuân thủ tục hành chính lên tới hàng chục triệu đồng.

Đại diện các cơ quan chức năng tại lễ công bố chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Sáng 17/8, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018 (Chỉ số APCI 2018) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng.

 Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Hội đồng, đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.

 Cụ thể, nhóm thủ tục thuế có chi phí thấp nhất, trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng đứng lại cao nhất, với chi phí lên tới hơn 64 triệu đồng.
Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ở các lĩnh vực

Phân tích cụ thể hơn về vị trí cuối cùng của nhóm thủ tục xây dựng, báo cáo nêu rõ sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các  tỉnh tại  vùng kinh tế trọng điểm Bắc  bộ  có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả  nước.

Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc. Mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền  Trung lại xấp xỉ mức trung bình trên cả nước.

Khi xét đến từng địa phương cụ  thể, tỉnh có mức chi phí tuân thủ lớn nhất vượt mức trung bình cả nước 4 lần và gấp địa phương có mức chi phí nhỏ nhất tới 20,5 lần.

Lý giải về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính khác nhau ở các địa phương, ông Ngô Hải Phan cho biết, chi phí tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao do thời gian chuẩn bị hồ sơ dài, cộng với chi phí trực tiếp cao, gồm cả chi phí không chính thức và chi phí tư vấn.

Chi phí trung bình của một TTHC nhóm xây dựng

“Chi phí trực tiếp tại các tỉnh trọng điểm Bắc Bộ cao hơn so với các tỉnh trọng điểm phía Nam, đây là căn cứ để các địa phương chấn chỉnh, kể cả công tác cán bộ. Rồi nếu các dịch vụ tư vấn mà độc quyền thì chi phí tư vấn sẽ cao, nếu có nhiều đơn vị tư vấn thì chi phí sẽ giảm”, ông Phan phân tích và cho rằng, báo cáo sẽ tạo áp lực và cạnh tranh trong cải cách.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên công bố chỉ số đánh giá chi phí cho thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, lần đầu nên có thể có những thứ chưa thể “tròn trịa” nhưng việc này cũng sẽ giúp cho việc đánh giá minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn.

“Theo phản ánh của các Hiệp hội, Doanh nghiệp thì các chi phí này còn rất cao. Doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, với nhiều loại chi phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, Bộ ngành, địa phương nào làm tốt thì phải đánh giá tốt. Đây là cải cách thì phải quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống vì thực sự không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ.

“Nếu làm tốt, công khai tốt thì các chi phí sẽ giảm, chi phí về thời gian và cả những khoản như bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được” – Bộ trưởng nhấn mạnh.