Doanh nghiệp phải chi 13% thu nhập để “bôi trơn”

Doanh nghiệp phải chi 13% thu nhập để “bôi trơn”
TP- Con số này vừa được nêu tại buổi tọa đàm “Môi trường kinh doanh 2009 – Phân tích và dự báo”. Buổi tọa đàm do Viện Kinh tế - Viện KHXH Việt Nam cùng báo Diễn đàn DN - Phòng TM&CN VN tổ chức ngày 24/11. 

Khủng hoảng kinh tế khởi nguồn từ Mỹ lan nhanh sang Tây Âu, Nhật..., đã và đang tác động mạnh đến phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt giải pháp do Chính phủ đề xướng và chỉ đạo điều hành thực thi đã bước đầu có hiệu quả.

 Nhưng sẽ là lạc quan tếu, nếu cho rằng chúng ta đã chặn đứng hoàn toàn lạm phát và sẽ  tránh được búa rìu khủng hoảng kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng: Các giải pháp, nhất là giải pháp chống lạm phát của chúng ta mới mang tính nhất thời, nên dẫu lạm phát bị kìm bớt như vừa qua thì nguy cơ lạm phát vẫn còn; và mặt khác, cũng không kém quan trọng, chúng ta còn phải sẵn sàng đối phó nguy cơ nhỡn tiền giảm phát, thiểu phát.

Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn càng phải liên tục được đề xuất và thực hiện linh hoạt, bởi thế giới chưa có hình mẫu kinh tế nào thực bền vững cho chúng ta noi theo. Thời điểm này, nếu bạn nước ngoài nào bảo “Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, là họ có phần động viên ta đấy!.

Vốn của các nhà đầu tư nước ngoài không thiếu, nhưng thời điểm này nếu đăng ký rồi thì nhiều dự án cũng sẽ giải ngân chậm, nếu chưa đăng ký thì cũng dễ dừng lại chờ xem... Theo đó, các  doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung rất yếu càng phải gồng mình chịu trận, gắng hết sức mới hy vọng vượt qua “cơn bão” này.

Bởi vậy, các chuyên gia đề nghị Chính phủ sớm triển khai các biện pháp kích cầu; hỗ trợ thị trường nội địa; xem lại chính sách thuế, nếu chưa thể hoãn, giãn, miễn, giảm như DN đề nghị thì chí ít cũng không làm gì để tăng chi phí (như tăng thuế nhập khẩu, tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt..., phí sử dụng phương tiện giao thông...).

Nhiều DN đề nghị xóa bỏ hạn mức dư nợ tín dụng 30%, khôi phục lãi suất thoả thuận (cả trong huy động và cho vay vốn), tiến tới cơ cấu lại ngành ngân hàng theo hướng thị trường; phát triển các loại thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hài hòa; ổn định cả kinh tế vĩ mô và vi mô; ngăn chặn các hành vi lạm dụng vị thế để thống trị độc quyền...

Đông đảo DN còn đề nghị cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, gắn liền với kiên quyết chống tham nhũng, để bớt chi phí vô lý cho DN. Vướng mắc thủ tục hành chính, DN sẽ mất cơ hội kinh doanh, hạn chế khả năng hấp thụ vốn. Cần sớm xoá bỏ những quy định không hợp lý về điều kiện kinh doanh và những thông tư, quy định gây cản trở hoạt động DN...

Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội Vũ Duy Thái nêu một thực tế đau xót: “Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư thì có tới 50% số DN được hỏi cho rằng thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; 38,5% cho rằng chính sách không rõ ràng, thực hiện không nghiêm minh.

Ở Hà Nội, theo quy định, việc thành lập DN  chỉ 5 ngày, nhưng đối với các ngành kinh doanh có điều kiện phải mất từ 8 đến 25 ngày, đối với các ngành công nghiệp, dịch vụ; 30 - 40 ngày đối với các ngành tài chính, ngân hàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí trung bình từ khởi sự đến khởi động kinh doanh phải mất 30 ngày, còn để triển khai một dự án đầu tư thuộc Bộ Xây dựng phải qua 33 thủ tục và mất nhiều thời gian hơn nữa.

Với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng, nhóm C là 23 tháng. Việc lạm dụng quyền hành của một số công chức để nhũng nhiễu tuy đã giảm song vẫn còn là vấn nạn. Qua khảo sát 991 DN ở Hà Nội được công bố ngày 25/6 vừa qua, 26 - 32% số DN được hỏi cho biết họ đã phải chi phí “bôi trơn” 1 - 2% thu nhập, 23 - 36% số DN đã chi 2 - 10%; 7 - 9% số DN đã chi 12 - 13%; 3,46% số DN đã chi 13 - 25%.

Theo một cán bộ Cục Thống kê Hà Nội, tính bình quân mỗi DN đã chi khoảng 13% tổng thu nhập cho việc bôi trơn này, tập trung ở các ngành nhạy cảm như xây dựng, thương mại tổng hợp, kinh doanh khách sạn nhà hàng”.

MỚI - NÓNG