Doanh nghiệp Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù dịch bệnh phức tạp nhưng năm 2021, khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có một năm thành công với doanh thu, lợi nhuận đều vượt xa mục tiêu, một số đại dự án thua lỗ bế tắc trong nhiều năm bắt đầu hồi sinh. Năm 2022, DNNN chủ động kịch bản đối phó với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất kinh doanh, nhằm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2021.
Doanh nghiệp Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao ảnh 1

Đội tàu VIMC mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp năm 2021. Ảnh: VIMC

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) cho biết, năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc uỷ ban đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân của cả nước và cao hơn năm 2021. UBQLVNN chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của dịch. Bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, ổn định kinh doanh trong mọi tình huống.

Từ định hướng, mục tiêu chung của UBQLVNN, mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có kế hoạch sản xuất kinh doanh riêng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt mục tiêu tập trung nguồn lực để triển khai dự án trọng điểm, cấp bách được Chính phủ giao như dự án Lô B, Cá Voi Xanh, Sông Hậu 1, LNG Thị Vải, LGP Sơn Mỹ. Đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng (đạt 10-18 triệu tấn). Hoàn thành đưa vào vận hành thương mại 2 nhà máy điện lớn: Sông Hậu 1 và Thái Bình 2. Khởi công các dự án lớn như Nhơn Trạch 3,4...

Là một trong những DN trực thuộc UBQLVNN, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, năm 2022, Vicem đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu khoảng 37.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài vì vậy năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu xi măng được dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại; giá cước vận chuyển còn cao...

Ông Khánh nhận định rõ sự khó khăn của Vicem và cũng chỉ rõ sự mất cân đối “cung - cầu” cục bộ giữa các vùng miền trong nước, làm phát sinh chi phí logistics. Hằng năm cần phải điều chuyển khoảng hơn 10 triệu tấn xi măng từ các nhà máy xi măng khu vực miền Bắc, Bắc Trung bộ vào khu vực Tây Nguyên và miền Nam.

Riêng về hệ thống tiêu thụ, ông Khánh yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tiếp tục rà soát, sắp xếp hoàn thiện hệ thống phân phối, tối ưu hóa hoạt động logistics. Việc tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng được đẩy mạnh theo phương án đã phê duyệt; trong đó, chú trọng giải pháp đảm bảo nguồn cung và tối ưu hóa logistics.

Giải nút thắt cho DN, dự án thua lỗ

Bên cạnh giải pháp nhằm đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng, việc xử lý các đại dự án thua lỗ nhiều năm là một trong những mục tiêu của các DNNN. Theo UBQLVNN, 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương sau nhiều năm chưa hoàn thành xử lý được các tồn tại, yếu kém, đến nay Bộ Chính trị đã đồng ý với giải pháp xử lý cụ thể, phù hợp đối với 5 dự án, doanh nghiệp để giao các tập đoàn, tổng công ty chủ động thực hiện. Với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại ủy ban tiếp tục đề ra định hướng xử lý.

“Việc xử lý quyết liệt 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, ủy ban sẽ rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ khác để có biện pháp khắc phục kịp thời”, lãnh đạo UBQLVNN cho biết.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, tranh thủ tình trạng giá cước vận tải biển tăng chóng mặt vì dịch COVID-19, VIMC đã đưa đội tàu tham gia vận tải quốc tế, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng vọt. Từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong top đầu về thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, năm 2021, VIMC đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Tổng doanh thu toàn tổng công ty đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020, lãi 3.700 tỷ đồng.

“Trước khi xảy ra dịch, giá cước vận tải biển thấp nhất trong 10 năm, các đội tàu trong nước và thế giới đều lỗ. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến giá cước vận tải tăng cao, nhất là những tuyến vận chuyển dài như đi Mỹ, châu Âu. Năm 2022, giá cước vận tải biển không tăng mạnh như năm ngoái nhưng chưa trở về như trước khi xảy ra đại dịch. Măm 2022, lãnh đạo VIMC xác định sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng cảng biển và đổi mới đội tàu.”, ông Tĩnh cho biết.

Năm 2021, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.179 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch. Tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng. 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu.

MỚI - NÓNG