Doanh nghiệp mong Chính phủ hành động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường Vineco Hà Nam vào tháng 2/2017. Ảnh: Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường Vineco Hà Nam vào tháng 2/2017. Ảnh: Quang Hiếu.
TP - Thủ tướng cùng lãnh đạo bộ ngành, địa phương đã trực tiếp lắng nghe vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp (DN) về các vấn đề như đất đai, thuế… Nhiều rào cản trong môi trường đầu tư kinh doanh đã được Thủ tướng cam kết gỡ bỏ để DN phát triển.

Đa số muốn Chính phủ hành động

Gần 1.000 DN được đối thoại với Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành và địa phương tại diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2 (ngày 31/7). Mở đầu diễn đàn, thay vì đọc báo cáo, tham luận như các hội thảo khác, ban tổ chức thực hiện cuộc thăm dò ý kiến của DN tư nhân có mặt tại hội trường với câu hỏi: “Trong các thông điệp của Chính phủ, DN mong muốn tiêu chí nào nhất?”. Kết quả cho thấy, 65% ý kiến chọn hành động, 24% chọn liêm chính và 11% chọn kiến tạo.

Tiếp sau đó, phiên thảo luận về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được bàn luận sôi nổi. Một trong những vướng mắc lớn nhất mà đại diện DN NNCNC đưa ra là việc tiếp cận quỹ đất.

Theo ông Đinh Hải Lâm, Tổng Giám đốc Cty Ca cao Intercontinental Coporation, để làm quy mô lớn, khó khăn lớn nhất của DN là tiếp cận đất đai. Nhiều địa phương cấp đất dự án, nhưng DN không thể tiếp cận quỹ đất sạch, vì địa phương không đền bù giải tỏa cho người dân.

Ông Lâm lấy dẫn chứng với trang trại trồng ca cao tại Đắk Lắk, công ty ông phải đầu tư vốn đưa công nghệ cao vào vận hành, thiết lập hệ thống tưới tiêu, đầu tư đồng bộ máy móc công cụ công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây ca cao (từ khâu giống, khâu trồng, chăm sóc cây đến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch). Trang trại quy mô lớn triển khai các phần mềm để quản lý nghiệp vụ nông nghiệp trên thực địa nông trường và phần mềm hoạch định tài nguyên.

“Với mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10.000 tấn, chúng tôi rất mong muốn được bỏ các quy định hạn điền”, ông Lâm bày tỏ. Kiến nghị của ông Lâm cũng là đề xuất của nhóm công tác về nông nghiệp của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2017.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các DN, Thủ tướng cho biết, NNCNC hiện nay vướng chủ yếu ở đất đai, vốn, khoa học công nghệ. Thủ tướng cho biết, sẽ đệ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai, trong đó liên quan đến quy định hạn điền.

“Chúng ta sửa đổi chính sách hạn điền sao cho vừa đảm bảo quyền của nông dân, vừa thuận lợi cho DN phát triển. Tôi giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ ngành khác nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định về chính sách hạn điền cho phù hợp và sửa đổi Nghị quyết 20 về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn”, Thủ tướng nói.

Về chủ trương vay vốn ưu đãi cho NNCNC, người đứng đầu Chính phủ cho biết, gói tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng, nay mới giải ngân được rất ít. Điều này chứng tỏ thủ tục vay vốn từ ngân hàng khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải chủ trương phát triển NNCNC để chấm dứt tình trạng giải cứu nông sản như vừa qua.

Đưa tỷ trọng đóng góp của DN tư nhân đạt 50-60% GDP

Đánh giá về chính sách mới ban hành, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế tư nhân Bùi Anh Quân nói: “Mỗi sáng thức dậy, có luật, nghị định, thông tư mới, chúng tôi lo nhiều hơn mừng. Đa số chính sách mới gây khó khăn, thậm chí có trường hợp, luật thuận lợi nhưng đến nghị định, thông tư hướng dẫn thì gây khó. Chúng tôi mong việc ra nghị định lấy tiêu chí chất lượng chứ không chú trọng số lượng”.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50–60% GDP.  “Các bộ ngành liên quanh cần lắng nghe, đối thoại tại các diễn đàn, giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách, luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN. Lãnh đạo bộ ngành, địa phương phải có cả tâm lẫn tài. Cán bộ chỉ có tâm không đủ mà phải nâng cao năng lực đáp ứng quản lý đi kịp phát triển, nhất là trong thời đại 4.0. Thể chế, chính sách phải đổi mới kịp thời hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra quan điểm, chính sách phải chú trọng chất lượng, nhất quán và nâng cao năng lực thực thi của bộ máy. Các địa phương chia sẻ cho nhau cơ hội, không cạnh tranh với nhau bằng mọi giá. Địa phương tạo nguồn lực đất đai, hạ tầng để nhà đầu tư không phải chờ đợi. Thu hồi đất nhà đầu tư yếu kém, trao cho nhà đầu tư có năng lực cam kết đồng hành cùng địa phương.

Với ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn để DN tiếp cận nguồn vốn. Hơn lúc nào hết, ngân hàng phải hiểu và tạo điều kiện cho DN vay vốn làm ăn. DN làm ăn được mới có nguồn tiền về ngân hàng.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á Eric Sidgwick nhìn nhận, sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn năm nay thể hiện sự coi trọng cũng như cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển của khu vực tư nhân; đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cho các DN tư nhân.

“Chính phủ cam kết cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, thân thiện cho mọi DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa. Chính phủ sẽ ban hành điều chỉnh chính sách thuế phù hợp”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

MỚI - NÓNG