Doanh nghiệp lữ hành nói gì về việc quá tải du lịch?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các điểm du lịch trên cả nước đang quá tải và du khách phải chịu cảnh tăng giá, thậm chí bị "chặt chém".

Nói về nguyên nhân quá tải các điểm du lịch trong cao điểm hè năm nay, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Cty Dophin tour cho rằng: “Do sự kìm nén sau hơn 2 năm COVID-19 của người dân nên giờ bùng nổ du lịch. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn cung ứng: nhà hàng, khách sạn, lao động… chưa phục hồi kịp khiến nhiều nơi quá tải”.

Doanh nghiệp lữ hành nói gì về việc quá tải du lịch? ảnh 1

Theo ông Quang, sự quá tải xảy ra tại các điểm du lịch biển như: Sầm Sơn, Phú Quốc, Hạ Long, Cát Bà… “Năm nay, ngoài các gia đình, cá nhân nhu cầu du lịch lớn. Các cơ quan, ban hành chiếm tới 70% lượng khách tour. Có đoàn cơ quan lên tới 100- 200 khách. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đặt tour cho đoàn lên tới 2.000 khách”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, nhu cầu khách hàng tăng đột biến mà hạ tầng chưa đáp ứng kịp mới xảy ra tình trạng méo mó. Khách rất khó tìm kiếm dịch vụ từ vé máy bay, khách sạn. Thậm chí, nhà hàng đến đặt không có chỗ ngồi, tranh nhau chỗ.

Ông Quang cho biết thêm, với khách nội địa đi tua đường bộ, giá tua tăng từ 15- 20% so với trước dịch, riêng đường hàng không tăng tới 30% so với trước. Thậm chí với suất ăn du lịch cũng tăng lên để đảm bảo nhu cầu ăn uống cho khách.

Ông Nguyễn Trọng Anh, Giám đốc Cty Anh Tour, người có kinh nghiệm 22 năm làm tua phải thốt lên rằng: “Chưa năm nào du lịch hè lại bất thường như năm nay”.

Theo ông Trọng Anh, riêng vận chuyển du lịch tăng gấp đôi cả đường thủy và đường bộ. Một phần do giá xăng tăng, một phần từ hiệu ứng tâm lý. Ví dụ, một tàu thăm vịnh Hạ Long 1 tiếng 400.000 đồng tăng 800.000 đồng mà không có tàu. “Lần đầu tiên trong đời làm tua, chúng tôi thấy nhiều nhà hàng ăn uống từ chối không nhận khách kể cả Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa, cứ cuối tuần là không nhận. Khách đến nhà hàng quá tải nên phải đặt số lượng nhiều và là đơn vị thân quen họ mới nhận”, ông Trọng Anh cho hay.

Theo ông Trọng Anh, riêng với khách bay, công ty lữ hành tách riêng phần vé không tính vào tua và khách cũng phát hoảng với giá vé tăng từng ngày. Có thời điểm, giá vé máy bay mùa hè cao hơn vé máy bay Tết. Cụ thể, 1 cặp vé bay Côn Đảo hơn 10 triệu đồng cũng không có để mua.

Về việc tăng giá khách sạn, "chặt chém" ăn uống tại các điểm du lịch, ông Trọng Anh cho rằng, năm nào cũng xảy ra, lý do bởi đặc điểm mùa vụ. Miền Bắc có thói quen đi du lịch hè nên họ tận dụng những tháng hè để bù những tháng khác. Tỷ lệ khách du lịch tăng đột biến nên họ tăng giá, kể cả khách quen.

“Thậm chí có những khách sạn chỉ cho khách ăn 1 bữa ở ngoài còn 4 bữa còn lại phải ăn tại khách sạn. Đặc biệt, khách sạn không nhận phòng 1 đêm cuối tuần mà 2 đêm mới nhận. Vấn đề "chặt chém" cao điểm không tránh được nhưng không có giải pháp vì đó là điều kiện khách quan”, ông Trọng Anh cho biết thêm.

MỚI - NÓNG