Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng mới đây, đại diện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, cùng với việc tiêu thụ gặp khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong ngành hóa chất đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của phân bón giả, nhái, kém chất lượng.
Theo ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc, trong thời gian qua, công ty đã phát hiện trên thị trường đang tồn tại hàng chục thương hiệu phân bón có hình thức bề ngoài giống như Supe Lâm Thao. Các loại phân bón này giống từ logo ngoài bao bì đến màu sắc, kiểu dáng…Ngay cả các chi tiết về màu sắc và chi tiết bên ngoài bao bì cũng là hai màu xanh - đỏ giống sản phẩm của hãng.
Cùng với việc có nhiều loại phân bón làm nhái sản phẩm của công ty, các chiêu trò của các đại lý bán phân bón giả, nhái, kém chất lượng cũng ngày càng tinh vi hơn. Tất cả cũng vì các đơn vị làm phân bón giả, nhái thường chiết khấu rất cao cho đại lý để đại lý gợi ý cho người tiêu dùng mua loại phân bón này thay vì chọn sản phẩm chính hãng.
Cùng với thiệt hại do nạn phân bón giả, theo đại diện Phân bón Lâm Thao cùng đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, việc áp dụng Luật 71/2014/QH13 từ năm 2015 cũng khiến các doanh nghiệp ngành phân bón mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng/đơn vị. Luật này quy định các sản phẩm phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Cùng đó, phần thuế VAT đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm giá thành sản phẩm phân bón tăng lên 3 - 4%, làm giảm sự cạnh tranh của phân bón sản xuất do phân bón nhập khẩu được giảm 5% thuế VAT. Theo ước tính, từ năm 2015 đến nay, số tiền Supe Lâm Thao không được khấu trừ đầu vào lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Đại diện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng điều chỉnh Luật 71 đồng thời quy hoạch lại ngành phân bón.
Trao đổi với Tiền Phong, thành viên HĐQT một doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất Việt Nam về sản xuất phân bón cho hay, phân bón giả, nhái và việc phân bón giá rẻ Trung Quốc tận dụng lợi thế được bỏ thuế xuất khẩu đối với các nguyên liệu sản xuất phân bón để xâm nhập vào thị trường đã khiến cho các doanh nghiệp ngành phân bón của Việt Nam điêu đứng. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ càng ngày càng kiệt quệ và mất dần thị trường. Việc cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và mạnh tay với phân bón giả, nhái sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp trong nước.
Về việc ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, trả lời báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho hay, lực lượng QLTT đã rất nỗ lực kiểm tra, xử lý trong phạm vi trách nhiệm được giao, song việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan hữu quan mới là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn này.
Theo ông Linh, đến nay, các Cục QLTT đã phân loại đối tượng để xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng và tổ chức kiểm tra sau khi ký cam kết, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Hoá chất, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) theo dõi, đánh giá việc áp dụng Nghị định 55 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón để kịp thời kiến nghị sửa đổi khi có những vấn đề tồn tại, hạn chế gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón”, ông Linh cho hay.