> Muốn tìm việc phải có kỹ năng
Sinh viên cần được thực hành nhiều hơn. Ảnh minh họa. |
Đơn vị tuyển dụng: Đào tạo lý thuyết, khó tuyển lao động
Trong bài viết gửi đến tọa đàm giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới đây, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình – Viện xã hội học dẫn số liệu của Cục thống kê cho biết, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 223 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học hệ công lập và 22,7 nghìn sinh viên tốt nghiệp hệ dân lập, nhưng phần lớn không tìm được việc làm.
Chỉ một bộ phận nhỏ được tuyển dụng nhưng nhiều người trong số đó không đáp ứng được công việc, số có việc làm đúng ngành nghề đào tạo rất khiêm tốn.
Theo lý giải của ông Bình, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học hiện nay còn nặng về lý thuyết, chậm cập nhật và chưa chú trọng phát triển kỹ năng cho sinh viên.
Đặc biệt, nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng cử nhân mới ra trường, phải bỏ ra ít nhất sáu tháng đến một năm hoặc hơn để đào tạo lại mới có thể khai thác lao động. Khi chuẩn bị sử dụng thì một số lại "nhảy việc".
Nhìn từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng Tâm lý Hoa Mặt Trời cho rằng, chất lượng lao động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng còn thấp, lại kém về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, tay nghề thực hành, kỹ năng làm việc, tác phong công nghiệp.
"Có đến 94% sinh viên mới ra trường, khi đi làm cần được đào tạo lại, để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, các nội dung cần đào tạo lại có 92% về nghiệp vụ và chuyên môn, 61% về kỹ năng mềm cơ bản, 53% về kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa …" - Bà Hà dẫn số liệu.
Ngày hội việc làm của sinh viên. Ảnh minh họa. |
Về nguyên nhân chất lượng cử nhân yếu kém, bà Hà cho rằng, giáo dục đào tạo chậm đổi mới, nội dung và phương pháp giảng dạy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy tính sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ của học sinh, sinh viên, đội ngũ giảng viên còn thiếu, yếu…
Nội dung phương pháp đào tạo còn lạc hậu, chưa theo kịp với xu thế phát triển của xã hội. Giáo dục ở nước ta chưa gắn với nhu cầu thực tiễn. Một điều dễ nhận thấy ở các trường đại học là sự phân bố lượng kiến thức không đồng đều: khối kiến thức chung mang nặng tính lý thuyết giáo điều, trong khi khối kiến thức chuyên ngành lại bị xé lẻ.
“Trong quá trình tuyển dụng, không ít lần chúng tôi gặp sinh viên, kể cả những sinh viên có bằng loại giỏi, nhưng chuyên môn nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sử dụng thiết bị văn phòng còn yếu kém. Đa phần sinh viên còn thụ động, thiếu nhạy bén và năng động …” – Trích ý kiến của bà Hà.
Thông thường, việc đào tạo lại mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí của công ty, doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều đơn vị tỏ ra thờ ơ với sinh viên mới ra trường, tập trung chọn người có nhiều kinh nghiệm làm việc. Điều này trực tiếp làm giảm cơ hội việc làm của tân sinh viên.
Lãnh đạo trường đại học: Doanh nghiệp phải đào tạo lại
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuân Kháng – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn Hà Nội cho rằng, trường đại học không thể đào tạo tất cả các nghề cho xã hội. Trường chỉ cung cấp những kiến thức khoa học nền cho sinh viên, và các cơ sở, doanh nghiệp, cơ quan khi tuyển dụng, nếu muốn sử dụng hiệu quả thì công việc đào tạo lại là việc tất yếu.
Phát biểu tại hội thảo Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo diễn ra tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chiều 14 – 12, Nguyên Bí thư Đảng Ủy trường Bách Khoa, ông Nguyễn Đức Chiến cho rằng, đào tạo đại học chỉ đào tạo "phôi", đào tạo kiến thức cơ bản cho sinh viên. Cơ sở, doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng nếu muốn sử dụng lao động hiệu quả phải tiến hành đào tạo tại chỗ cho thích ứng với yêu cầu của nghề nghiệp. Không thể có chuyện, sinh viên đại học sau khi ra trường là làm việc ngay được. “Kể cả những nước tiên tiến, sinh viên sau khi ra trường cũng phải cần khoảng 5 – 6 tháng để thích ứng với công việc” – Ông Chiến nói. |
Về nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, Tiến sỹ Trịnh Văn Tùng – Khoa Xã hội học - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn công bố kết quả nghiên cứu, cho rằng, đầu ra của quy trình đào tạo nhân lực chưa được quan tâm đúng mức.
Lẽ ra, đầu ra ở các ngành nghề cụ thể phải được gắn với những kiến thức và kỹ năng rõ ràng, cụ thể ngay từ trong khâu đào tạo.
Theo kết quả nghiên cứu trên 100 sinh viên, chỉ có 26,5% tin rằng nghề nghiệp của mình sẽ phù hợp hoàn toàn với chuyên môn đang theo học.
Trong khi đó, 69,7% cho rằng, kỳ vọng nghề nghiệp tương lại phần nào phù hợp. Gần 5 % sinh viên trả lời rằng, định hướng nghề nghiệp khác hẳn so với chuyên môn đào tạo.
“Mối liên hệ giữa giảng đường và thị trường lao động đang khá lỏng lẻo. Thậm chí, mối liên hệ giữa các nghề gắn với ngành học gần như còn là một bí hiểm đối với sinh viên. Đây cũng là cái hố ngăn cách giữa khả năng tiếp cận nghề và khả năng học tập của sinh viên. Liệu động cơ học tập của sinh viên có cao hay không khi họ có rất ít thông tin về nghề gắn với ngành học” – Trích tham luận của nhóm tác giả Tiến sỹ Trịnh Văn Tùng – Thạc sỹ Phạm Huy Cường (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn).
Hệ lụy Trong khi các nhà giáo dục, đại diện doanh nghiệp đang đề ra hàng loạt biện pháp nhằm gắn kết sản phẩm đào tạo của các trường đại học với nhu cầu tuyển dụng của thị trường, thì tiến sỹ Trần Văn Hải - Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại lo ngại: Thị trường lao động chỉ có nhu cầu hiện tại, đặt lợi nhuận làm mục tiêu hành động, vậy mà cả ngành giáo dục và đào tạo lao theo đáp ứng nhu cầu lợi nhuận của thị trường lao động. Tài chính, ngân hàng, ngoại thương, chứng khoán, tiếng anh... trở thành những ngành "hot", thu hút vào đó những học sinh giỏi để rồi khi ngành chứng khoán “chết”, thì sinh viên theo học ngành này cũng điêu đứng theo…. |