Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam:Quy mô ngày càng teo tóp

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2019 sụt giảm mạnh, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, số vốn trung bình của một dự án chỉ vài triệu USD, và vắng hẳn dự án tỷ USD. Cách nào để đối phó với làn sóng FDI siêu nhỏ này?

Doanh nghiệp FDI bé và lạc hậu

Cục Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 7 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 20,2 tỷ USD (gồm vốn đăng ký mới và góp vốn mua cổ phần). Đặc biệt, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 8,27 tỷ USD,  giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 2.064 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này cho thấy, các dự án FDI đăng ký vào Việt Nam có quy mô vốn ngày càng nhỏ dần so với trước đây.

Theo Bộ KH&ĐT, vốn trung bình dự án FDI đăng ký mới năm 2017 đạt 13,8 triệu USD/dự án; năm 2018 giảm xuống còn 5,87 triệu USD/dự án và 7 tháng đầu năm 2019 giảm xuống còn 4 triệu USD/dự án. Không chỉ dự án đăng ký mới, các dự án góp vốn mua cổ phần cũng có vốn trung bình giảm dần. Năm 2018, vốn đăng ký tăng thêm trung bình đạt 6,4 triệu USD/dự án; 7 tháng đầu năm 2019 giảm xuống 4,22 triệu USD/dự án.

Trong 63 tỉnh thành trên cả nước, Bắc Ninh là một trong những địa phương có số dự án FDI đăng ký mới nhiều nhất. Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh cấp phép cho 46 dự án FDI. Trong đó, có 25 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, dự án FDI chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, gia công cơ khí, xử lý, tráng phủ kim loại. Tiêu biểu như: Dự án thiết bị cơ khí thông minh TCV Moji của nhà đầu tư Zhu Ping Ping (Trung Quốc) với vốn đăng ký 500.000 USD; dự án đầu tư SG Tech Vina của nhà đầu tư Trung Quốc với số vốn 817.000 USD... Lĩnh vực tiếp theo là bán buôn tổng hợp, sửa chữa máy móc thiết bị, in ấn bao bì hàng hóa…

Đại diện ban quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, các dự án đầu tư chủ yếu phục vụ sản xuất thiết bị điện tử và công nghiệp phụ trợ cho các chuỗi sản xuất lớn như nhà máy sản xuất Samsung. Đa số dự án có vốn đầu tư vài trăm nghìn USD, nhiều dự án chỉ có mức đầu tư 100.000 USD.

Không chỉ Bắc Ninh, Hà Nội cũng chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, quy mô vốn đầu tư 1 dự án có xu hướng giảm, có dự án đăng ký mức vốn chỉ 5.000 USD hoặc thấp hơn. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, quy mô dự án FDI ngày một nhỏ. Dự án quy mô chỉ 1 triệu USD ngày càng nhiều lên. Kéo theo đó là “nguy cơ” dự án FDI công nghệ lạc hậu tăng lên. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam phải sàng lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Cần “bộ lọc” FDI

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) cho rằng, với hệ thống pháp luật hiện tại, rất khó để sàng lọc nguồn vốn FDI. Việc sàng lọc vốn FDI phải thông qua quy định pháp luật cụ thể.

“Hiện nay, chúng ta chưa có định nghĩa rõ ràng về công nghệ cao, công nghệ nguồn và chưa có mức ưu tiên cụ thể. Chính điều này đã dẫn tới việc các địa phương chủ yếu nhận dự án dựa trên việc nhìn vào nhà đầu tư, chứ không phải chất lượng dự án”, ông Toàn cho biết.

Theo ông Toàn, hướng thu hút FDI giai đoạn tới cần xây dựng khoa học. Cơ quan chức năng phải thành lập một đội ngũ đủ năng lực để xác định thế nào là công nghệ cao, thế nào là công nghệ nguồn và đi kèm với nó là những chính sách cụ thể cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh.

“Bộ lọc FDI là công việc quan trọng để nước ta có được công nghệ cao, công nghệ nguồn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng”, ông Toàn kiến nghị.

Trước khi có “bộ lọc” dự án FDI, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành kiểm tra các dự án FDI, nhằm loại bỏ những dự án sai phạm. Thanh tra Sở KH&ĐT Đà Nẵng vừa công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành các quy định theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án FDI. Kết quả kiểm tra cho thấy, các dự án đăng ký vốn góp thuộc dạng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này tồn tại một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm nhất định như không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Không báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát…      

Vốn trung bình dự án FDI đăng ký mới năm 2017 đạt 13,8 tỷ USD/dự án; năm 2018 giảm xuống còn 5,87 tỷ USD/dự án và 7 tháng đầu năm 2019 giảm xuống còn 4 tỷ USD/dự án.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.