Doanh nghiệp đổi chiến lược khi lãi suất giảm

Doanh nghiệp đổi chiến lược khi lãi suất giảm
Chuyển từ kỳ hạn ngắn sang dài hay chuyển sang kênh đầu tư khác như trái phiếu là cách mà doanh nghiệp nhiều tiền mặt xoay sở trước thông tin trần lãi suất tiết kiệm giảm xuống 6%.

“Đợt này công ty cũng phải chuyển một phần tiền sang cho vay hoặc tìm những kênh đầu tư an toàn khác thay vì gửi tiết kiệm”, ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect chia sẻ.

VNDirect là một trong những doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt nhất năm 2013, có trong tay hơn 1.115 tỷ đồng tiền mặt và những khoản tương đương tiền. Trong đó, phần gửi ngân hàng trên 1.000 tỷ đồng. Năm ngoái, lãi tiết kiệm VNDirect thu về đạt hơn 63 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2012 do ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm.

Năm 2013, sàn chứng khoán có 21 doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt trên 1.000 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt hiện có tại công ty, tiền gửi trong các ngân hàng và tiền đang chuyển. Nhiều doanh nghiệp nằm trong top này thường tận dụng kênh gửi tiết kiệm để có thêm nguồn thu.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2013 trước soát xét doanh nghiệp cho thấy các khoản tiền và tương đương tiền của Tập đoàn Bảo Việt đạt 7.460 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi ngân hàng lên đến 761 tỷ đồng. Đồng thời, tập đoàn cũng có 6.473 tỷ đồng trị giá các hợp đồng tiền gửi tại một số tổ chức tài chính với kỳ hạn gốc dưới 3 tháng, lãi suất 2,9-7% một năm.

Chia sẻ với VnExpress.net, ông Trần Trọng Phúc – Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt đánh giá việc ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm sẽ khiến một phần lợi nhuận của công ty giảm. CEO này cho biết trước đó Tập đoàn Bảo Việt đã lên kế hoạch tính toán những ảnh hưởng và chủ động tìm cách cân đối dòng tiền.

“Trong kế hoạch kinh doanh 2014, chúng tôi đã dự đoán lãi suất sẽ giảm. Hiện giờ lợi nhuận ổn định, chúng tôi sẽ đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động đầu tư khác. Hơn nữa, dòng tiền gửi ngân hàng sẽ được phân bổ ra nhiều nguồn khác nhau. Công ty có thể chuyển một phần tiền gửi ngắn hạn sang dài hạn và đầu tư vào các hoạt động khác như trái phiếu”, ông Phúc nói.

Theo giải thích của CEO này, vì công ty gửi tiền theo hình thức tập trung nên phải tính tới ngày đáo hạn của hợp đồng để đảm bảo khả năng thanh toán cho khách hàng. Do vậy, Bảo Việt sẽ phân bổ từng hạng mục cụ thể 3, 6 tháng và một năm sao cho sát thực tế đồng thời bảo đảm mức sinh lời tối đa, tổng giám đốc tập đoàn chia sẻ.

Một số doanh nghiệp rủng rỉnh tiền mặt khác không mấy quan tâm tới lãi suất giảm bởi gửi tiết kiệm chỉ là cách họ giữ tiền an toàn. Chẳng hạn Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang gửi ngân hàng 2.437 tỷ đồng. Năm 2013, lãi từ tiền gửi tiết kiệm cũng đem về cho tập đoàn gần 110 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sự - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết công ty chưa có chủ trương mới về chuyện điều chỉnh hay thay đổi kế hoạch sử dụng nguồn tiền trong thời gian tới, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất. Theo CEO này, mục tiêu chính của tập đoàn khi gửi tiết kiệm không phải để kiếm lời, thu lãi nên cũng không quá lo lắng.

“Khoản tiền gửi chủ yếu là quỹ dự phòng để hỗ trợ tập đoàn trong những giai đoạn kém thanh khoản hoặc tình huống bất khả kháng. Công ty cũng không dư tiền để đi tiết kiệm. Nếu khoản này phát sinh thêm tiền lãi thì tốt, còn không thì cũng không có vấn đề gì”, ông Sự giải thích.

Còn ông Nguyễn Thế Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT lại nhận định việc lãi suất giảm sẽ tạo nhiều lợi thế cho công ty. “Doanh thu từ lãi tiền gửi có thể giảm xuống. Tuy nhiên, số dư nợ của FPT vẫn lớn hơn số dư tiền gửi. Nếu lãi suất hạ, chi phí vay vốn sẽ còn giảm nhiều hơn nên công ty vẫn có lợi cho hoạt động kinh doanh”, ông Phương giải thích.

Cuối năm 2013, Tập đoàn FPT có hơn 1.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, đơn vị này cũng gửi nhà băng hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn không quá 3 tháng. Lãi thu từ tiền gửi năm qua của FPT là 106,7 tỷ đồng. Dù vậy, lãnh đạo này chia sẻ không phải mọi khoản tiền FPT đều gửi hết ngân hàng. “Trong tương lai gần, chúng tôi còn khá nhiều kế hoạch để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Phương bỏ ngỏ.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho hay động thái giảm lãi suất của các nhà băng tác động lên một số doanh nghiệp trông chờ lợi nhuận đến từ ngân hàng, họ sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng vốn từ ngắn hạn sang trung, dài hạn nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, diễn biến như vậy xét cho cùng lại tích cực đối với ngành ngân hàng và doanh nghiệp đi vay. Nhà băng nhờ đó sẽ cân đối nguồn vốn cho vay trung, dài hạn tốt hơn trong khi doanh nghiệp đi vay tiếp cận vốn dễ dàng.

“Thời gian tới có thể doanh nghiệp sẽ được vay với lãi suất thấp hơn. Khi lãi suất đầu vào giảm, rõ ràng lãi suất đầu ra cũng buộc phải hạ và đương nhiên công ty bớt gánh nặng lãi vay. Điều này sẽ giúp cung cầu về tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ dễ dàng gặp nhau”, ông Lực phân tích thêm.

Đánh giá về cách phân bổ lượng tiền mặt hợp lý, chuyên gia này cho rằng hiện nay các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro. Do vậy, khi phân bổ nguồn tiền đầu tư, doanh nghiệp nên chọn nhưng ngành nghề có triển vọng hoặc các kênh như trái phiếu.

Theo Tường Vi - Hồng Châu

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG