Doanh nghiệp chờ lãi suất cho vay hạ thấp

Ngân hàng tồn đọng tiền, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao (ảnh minh họa). ảnh: như ý
Ngân hàng tồn đọng tiền, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao (ảnh minh họa). ảnh: như ý
TP - Dù lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (1 đến 6 tháng) được điều chỉnh xuống mức 6%/năm từ ngày 18/3, nhưng các doanh nghiệp cho rằng: Khó có chuyện lãi suất cho vay sẽ giảm theo trong ngắn hạn.

Vẫn ngất ngưởng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Minh Đạo, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Vân Đạo (Thái Nguyên) cho biết, vừa có buổi làm việc với Agribank để vay vốn triển khai dự án mới của công ty. Theo thông tin từ ngân hàng, mức cho vay ra sẽ tỷ lệ thuận với lãi suất huy động đầu vào. 

Cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết, mức lãi suất 9%/năm mà công ty đang trả cho khoản vay trước đó sẽ được ngân hàng xem xét giảm xuống 8%. So với mức lãi suất 14- 15%/năm trước đây, lãi suất hiện nay đã giảm khá nhiều.

Theo ông Đạo, trong bối cảnh hiện nay, dù các ngân hàng có nhiệt tình mời gọi vay vốn đầu tư, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều ngồi nhìn. Những doanh nghiệp dám đầu tư mở rộng sản xuất được coi là dũng cảm. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn rẻ không dễ dàng. Lãi suất các ngân hàng đưa ra hiện nay phổ biến trên 12%/năm.

“Ngân hàng hứa cho vay chỉ 8-9% trong 6, thậm chí 9 tháng đầu tiên. Có ngân hàng áp mức cho vay 7%, nhưng sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất lại nhảy vọt lên mười mấy phần trăm. Cộng lại, lãi suất không hề thấp”. 

Ông Bùi Kiến Thành

“Với người kinh doanh, lãi suất càng thấp càng tốt. Giảm lãi suất huy động đầu vào trong bối cảnh này không tạo sức mạnh gì nhiều cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là thị trường không có cầu, sức mua quá thấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư trong bối cảnh hiện nay do sợ không hiệu quả. Khi thị trường xấu, thậm chí lãi suất bằng 0, doanh nghiệp cũng không có lãi”, Ông Đạo phân tích

Giám đốc một doanh nghiệp thương mại tại TPHCM cho biết, hiện vẫn phải vay thương mại với mức phổ biến 14%-15% cho kỳ hạn từ 1- 2 tháng. Ông Nguyễn Mạnh Chung, Phó GĐ một doanh nghiệp xây dựng ở Hòa Bình cho biết, gần 2 năm nay, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng hạ tầng lâm vào cảnh khó khăn. 

Việc ít, đối tác nợ đọng kéo dài nên dù thiếu vốn, nhưng các doanh nghiệp không dám vay tiền. Đơn giản, theo ông Chung, vì ngân hàng mang tiếng giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế, trừ được khoản này thì tăng khoản kia. Rốt cuộc khách hàng vẫn chịu thiệt.

Thông tin từ các ngân hàng cũng cho thấy, ngay cả với các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường cũng đang ở mức khá cao, từ 9% - 10,5%/năm. 

Lãi suất trung và dài hạn dao động ở mức 11,5%-12,8%. Mức lãi suất các kỳ hạn ở các ngân hàng cổ phần thường cao hơn, phổ biến ở mức 12%-13,5%. Cá biệt, một số ngân hàng vẫn áp mức lãi suất cho vay 15% và trên 15% với các khách hàng vay.

“Tôi vay tiền mua nhà của Ngân hàng An Bình từ năm 2013. Theo hợp đồng cam kết, sẽ giảm lãi suất sau từng năm. Hơn một năm qua, lãi suất huy động đã giảm khá nhiều, nhưng ngân hàng vẫn áp lãi suất 15% với khoản vay của tôi. Sau nhiều lần yêu cầu, thậm chí tuyên bố chấp nhận chịu phạt để tất toán khoản vay, ngân hàng mới giảm lãi cho 1%, xuống 14%. So với nhiều ngân hàng khác, lãi suất này cao hơn rất nhiều”, một khách hàng (giấu tên) cho biết.

Cẩn trọng bẫy lãi suất

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Liên Việt Post Bank, cho biết, giảm lãi suất sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động. “Giảm lãi suất cũng như thuyền và nước. Nước xuống, thuyền cũng xuống theo. Quan trọng nhất, dù lãi suất có hạ xuống nữa, nhưng nếu không kích cầu thì doanh nghiệp cũng không thoát khỏi khó khăn được”, ông Hưởng nói.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định, đến nay, lãi suất cho vay không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Vấn đề là sức cầu. Các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay từ các gói này hoàn toàn khác so với quảng cáo.

“Ngân hàng hứa cho vay chỉ 8-9% trong 6, thậm chí 9 tháng đầu tiên. Có ngân hàng áp mức cho vay 7%, nhưng sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất lại nhảy vọt lên mười mấy phần trăm. Cộng lại, lãi suất không hề thấp. Ngân hàng cũng kinh doanh nên không thể có chuyện họ cho vay không lãi. Như thế thì tiền đâu để trả lương nuôi bộ máy của họ. Khi khách hàng muốn trả tiền trước hạn thì lại bị phạt với mức phí phạt rất nặng”, ông Thành phân tích.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thì cho rằng, trong thực tế, lãi suất cho vay chưa thể giảm được ngay. Các gói cho vay tiêu dùng, cho vay hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp của các ngân hàng hiện nay lãi suất vẫn khá cao. Điều này do cho vay tiêu dùng, ngân hàng phải đối mặt với rủi ro cao hơn nên lãi suất cũng phải cao hơn.

MỚI - NÓNG