Doanh nghiệp "chê" thị trường lao động Trung Đông

Doanh nghiệp "chê" thị trường lao động Trung Đông
Được đánh giá là thị trường tiềm năng, khả năng tiếp nhận số lượng lớn nhân công quốc tế, nhưng Trung Đông vẫn chưa thực sự hấp dẫn DN xuất khẩu lao động Việt Nam.
Doanh nghiệp "chê" thị trường lao động Trung Đông ảnh 1
Lao động chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: N.T.

Lý do chính là thu nhập của người lao động không cao, trung bình 150-200 USD/tháng.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, nhu cầu lao động của Trung Đông rất lớn, riêng Ảrập Xêút sẵn sàng tiếp nhận 50.000 nhân công Việt Nam trong năm nay. Ngành nghề cũng như vị trí công việc rất đa dạng, từ giúp việc gia đình, công nhân xây dựng, nhà máy đến giám đốc điều hành nhà...

Lao động ở trong các chung cư khép kín, ăn uống tự trang trải. Chi phí này rất rẻ, chỉ 500-700.000 đồng một tháng.

Đánh giá về khả năng tích luỹ của lao động sau 3 năm làm việc theo hợp đồng, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động thương mại và du lịch (Sovilaco), cho biết, so với Malaysia, lao động sang Trung Đông không phải đóng thuế thu nhập, lại ít có cơ hội tiêu tiền nên khoản tích luỹ gửi về nước là khá lớn.

Ông Nam lý giải: "Dòng đạo Hồi ở Trung Đông rất nghiêm khắc, cấm uống bia rượu, dịch vụ giải trí rất ít, tất cả chỉ làm việc và làm việc".

Với những lợi thế trên, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội đã xác định Trung Đông là thị trường trọng điểm trong năm 2006, bên cạnh Malaysia, Hàn Quốc.

Cuối tháng 1, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cùng một đoàn doanh nghiệp đã sang Ảrập Xêút và ký thoả thuận hợp tác lao động với Hiệp hội Tuyển dụng quốc gia Ảrập Xêút. Hiện Bộ gấp rút xây dựng đề án xuất khẩu lao động sang Trung Đông để trình Chính phủ.

Trái với sự sốt sắng của Bộ, doanh nghiệp lại không mặn mà. Khi được hỏi có coi Trung Đông là trọng điểm trong năm nay thì nhiều doanh nghiệp lắc đầu hoặc trả lời "chưa tìm được đơn hàng phù hợp".

Ông Đoàn Đại Thành, Phó giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), cho biết, lý do lớn nhất cản trở doanh nghiệp là thu nhập của lao động không cao, trung bình chỉ 150-200 USD/tháng. Với những lao động có tay nghề như thợ điện, thợ cơ khí, mức thu nhập có thể cao hơn, khoảng 300 USD/tháng.

Điều kiện khí hậu ở Trung Đông lại rất khắc nghiệt. Với cái nóng thường xuyên lên đến 40 độ C, nếu phải làm xây dựng, nghề đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam, thì sẽ rất vất vả.

Sự khác biệt về tôn giáo, điều kiện đi lại xa xôi, tới 8-9 giờ bay, chi phí vé máy bay một lượt đã lên đến 550 USD, cũng khiến doanh nghiệp e ngại. Bởi vé máy bay đắt sẽ làm đội lên chi phí đưa đi. Theo tính toán, chi phí đưa một lao động sang Trung Đông sẽ cao hơn sang Malaysia, tổng cộng hơn 20 triệu đồng.

Và bài toán nan giải nhất đối với thị trường Trung Đông cũng như Malaysia đó là nguồn lao động. Hiện doanh nghiệp trong nước còn đang đỏ mắt tìm nhân công cho những đơn hàng xuất khẩu thì việc kiếm tìm lao động đưa đi làm việc ở một nơi xa xôi, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thu nhập không cao, là điều khó thực hiện.

Đây cũng là lý do cả năm 2005, Việt Nam mới đưa được hơn 834 lao động sang các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, 47 người sang Qatar.

Các doanh nghiệp hiện chỉ đưa lao động mang tính thí điểm, thăm dò thị trường. Năm 2005, Công ty Sona đã xuất khẩu 100 công nhân may sang Dubai và hiện xúc tiến tuyển chọn 60 lao động nghề điện lạnh, 40 công nhân xây dựng.

"Các đơn đặt hàng của phía bạn khá nhiều, tuy nhiên chúng tôi phải chọn lựa thật kỹ. Chỉ những đơn hàng tạo điều kiện cho lao động phổ thông làm thêm ít nhất 3 giờ mỗi ngày, thu nhập mỗi tháng 310 USD thì chúng tôi mới chọn", một cán bộ của Sona cho biết.

Công ty Sovilaco thì đang xúc tiến tuyển chọn lớp nhân công đầu tiên sang Trung Đông, gồm 100 lao động giúp việc gia đình và 10-15 công nhân nhà máy.

Còn lại phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ đang quan sát, thăm dò xem những doanh nghiệp đi trước làm ăn thế nào và cố gắng canh tác trên thị trường truyền thống là Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Hồng Khánh
Vnexpress

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".