Doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở TPHCM kêu trời vì giấy đi đường

0:00 / 0:00
0:00
Giấy đi đường gây khó cho nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" (ảnh: Nguyễn Dũng)
Giấy đi đường gây khó cho nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" (ảnh: Nguyễn Dũng)
TPO - Không được cấp giấy đi đường theo mẫu mới khiến khâu vận chuyển gặp khó, không thể giao nhận hàng hóa, không mua được nguyên vật liệu… là những điều đang làm khó doanh nghiệp “3 tại chỗ”.

Ngày 24/8, phản ánh với báo Tiền Phong, bà Lý Thanh Phong - Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, công ty vô cùng khó khăn khi không thể mua nguyên vật liệu, không thể giao hàng vì chưa được cấp giấy đi đường khi Thành phố có quyết định siết giãn cách từ ngày 23/8.

Theo bà Phong, khi Thành phố quyết định siết chặt các biện pháp giãn cách trong 2 tuần để phòng chống dịch COVID-19 bằng cách hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết. Do không có chính sách rõ ràng cho thủ tục vận chuyển của các doanh nghiệp và dịch vụ vận chuyển, nên các công ty “3 tại chỗ” cứ đinh ninh vẫn có thể thu mua và giao nhận hàng hoá để phục vụ cho việc sản xuất.

Doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở TPHCM kêu trời vì giấy đi đường ảnh 1

Công ty 3D Hub Global thực hiện "3 tại chỗ" than khó vì giấy đi đường

Tuy nhiên từ ngày 23/8, các nhà cung cấp đều không thể giao hàng được vì bị chặn ở các chốt và lực lượng chức năng yêu cầu các giấy tờ phải được cấp từ Sở Giao thông vận tải TP, các chứng từ của doanh nghiệp dùng trong tháng qua không còn hiệu lực. Ngay cả gọi xe dịch vụ cũng bị từ chối vì khó khăn về giấy đi đường…

“Tôi cho rằng nếu đã chấp nhận cho công ty hoạt động “3 tại chỗ” thì phải có giấy phép cho chúng tôi được vận chuyển thuận tiện. Công ty hoạt động nhưng không cho đi mua nguyên vật liệu, không được giao hàng thì hoạt động thế nào?” – bà Phong nói.

Mới đây, Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (HBA) cũng cho biết, căn cứ các nội dung tại văn bản quy định thay đổi và điều chỉnh liên tiếp trong 3 ngày khiến gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ”, “1 điểm đến - 2 cung đường” của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đang gặp nhiều vướng mắc ách tắc liên quan vận chuyển đi lại.

HBA cho rằng, theo Công văn 2850 mới được UBND TPHCM ban hành tối 23/8, “các phương tiện vận tài hàng hóa đã được Sở Giao thông vận tải cấp mã QR, không tiến hành kiểm tra thẻ ra đường”. Thế nhưng, trong 2 ngày 23 và 24/8, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát hỏi “thẻ đi đường”.

Doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở TPHCM kêu trời vì giấy đi đường ảnh 2

Cơ quan chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân (ảnh: Nguyễn Dũng)

Ngày 24/8, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ 23/8 đến 6/9.

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện các doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa vừa trực tiếp xuất nhập khẩu cần có giấy đi đường cho một số nhân viên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: nhân viên giao nhận hợp đồng ký kết, nhân viên sửa chữa bảo trì máy móc, thiết bị, nhân viên thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); tài liệu, chứng từ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu; chứng từ tài chính (L/ C); chứng từ vận tải (booking tàu. . .); chứng từ hải quan. Đây là các đối tượng thuộc nhóm “Nhân viên các ngành phục vụ sản xuất”.

Do đó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, Sở Công Thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động các doanh nghiệp sản xuất. Kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

“Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp” - ông Tú cho hay.

MỚI - NÓNG