Đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành

Bộ TN&MT từng đề nghị có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất như nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu dân cư
Bộ TN&MT từng đề nghị có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất như nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu dân cư
TPO - Đánh giá việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học... chậm, chưa đạt hiệu quả, Đoàn giám sát là Uỷ ban Pháp luật kiến nghị khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.

Vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, kéo theo rất nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe tiếp tục đặt ra vấn đề việc thực hiện di dời các cơ sở ô nhiễm, cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học trong khu vực nội đô di dời ra ngoại thành được thực hiện ra sao? Sau vụ cháy này, Bộ TN&MT đã đề xuất, cần sớm có lộ trình di dời các cơ sở sản xuất như nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu vực dân cư.

Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là, chủ trương này được thực hiện chậm, chưa có hiệu quả trong thời gian qua.

Kết quả giám sát của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô nêu rõ: Các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước đã có kế hoạch di dời ra ngoại thành để ưu tiên xây dựng phát triển công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hiệu quả nên chưa thể giãn dân ra ngoại thành.

Theo đoàn giám sát, thành phố Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng để phục vụ công tác di dời các bệnh viện tuyến trung ương; bố trí, giới thiệu quỹ đất cho các trường đại học và phục vụ di dời trụ sở làm việc của 9 Bộ, ngành của Trung ương; rà soát và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở trên địa bàn theo từng nhóm, tiêu chí, thứ tự và lộ trình cụ thể. Đồng thời, thành phố cũng đã ban hành một số chính sách đặc biệt, khuyến khích dân cư sống ở các khu vực chung cư cũ chuyển ra sinh sống ở ngoại thành Hà Nội.

Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhưng trên thực tế rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất này. Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp nhẹ như Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội... nay là Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000m2 tại số 82 Nguyễn Tuân.

Cùng với đó, trong số 9 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, chuyển trụ sở làm việc ra ngoài nội đô lịch sử, tại thời điểm giám sát, có đến 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, chưa bàn giao cho thành phố và 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng; không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng.

Đồng thời, sau gần 8 năm triển khai, đến nay vẫn chưa có cơ sở giáo dục đại học nào di dời ra ngoại thành vì chưa có cơ sở hạ tầng hoặc thậm chí chưa được giao đất. Hiện tượng này đã gây ra những hệ lụy về quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quy mô dân số, đi ngược lại mục tiêu ban đầu đã đề ra khi thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp.

Đoàn giám sát đánh giá, qua 5 năm thi hành Luật Thủ đô, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghề nghiệp ra khỏi nội thành còn nhiều bất cập, chậm được triển khai; việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy hoạch đối với một số loại công trình công cộng trong khu vực nội thành chưa đồng bộ; công tác giám sát việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền thành phố Hà Nội phải khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành để thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

MỚI - NÓNG