Độ võng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hơn mức cho phép

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kết quả khảo sát, đo đạc của cơ quan chức năng cho thấy, tổng độ võng của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hiện nay là từ 17,4 cm đến 22,2 cm, lớn hơn nhiều so với độ võng cho phép. Với độ võng này, theo sơ đồ tính toán thì chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, vượt quá chuyển vị cho phép (3,8 cm).

Liên quan đến sự cố đứt cáp ngầm dự ứng lực ở nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt: Ban quản lý) đã có báo cáo về tình hình hiện trạng của công trình.

Độ võng vượt mức cho phép, đầu dầm tách khỏi mố cầu

Theo đó, qua đo đạc cho thấy, độ võng lớn nhất tại nhịp dầm chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh theo hướng từ cầu Sài Gòn đi quận 1 ở vị trí biên phải là 22,2 cm, vị trí tim cầu là 17,4 cm và vị trí biên trái là 18,6 cm.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng hoàn thành từ năm 2002 (qua 20 năm khai thác), có qua duy tu, sửa chữa và gần đây nhất là năm 2017. Đến nay, tổng độ võng từ 17,4 cm đến 22,2 cm là lớn hơn nhiều so với độ võng cho phép.

Độ võng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hơn mức cho phép ảnh 1

Hiện cơ quan chức năng đã đóng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để phục vụ công tác sửa chữa, khắc phục sự cố.

Với độ võng nêu trên thì chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, vượt quá chuyển vị cho phép (3,8 cm). Ngoài ra, khe hở giữa đầu nhịp chính và đầu nhịp dầm kế bên là sát với nhau.

Theo kết quả đo đạc trước đó của Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật đường bộ (Sở GTVT), đầu dầm nhịp chính và nhịp cầu bản gần kề đã tách ra khỏi gối cầu.

Trước đó, trong quá trình kiểm tra, khảo sát chuẩn bị cho công tác duy tu sửa chữa định kỳ cầu vượt này, cơ quan chức năng phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực được chôn sâu 1,8m-2m thuộc công trình này đã bị đứt.

Nguyên nhân gây đứt cáp được xác định là do quá trình thi công hạng mục cống thoát nước của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (do Ban Giao thông làm chủ đầu tư).

Dùng cáp dự ứng lực tạm để căng giữ hai bệ trụ của nhịp chính cầu vượt

Theo Ban quản lý, nhằm hạn chế, giữ cho kết cấu công trình không chuyển vị theo hướng bất lợi, khó lường, sau khi xem xét phương án đề xuất của đơn vị tư vấn, Ban quản lý đề xuất dùng các cáp dự ứng lực tạm để căng giữ hai bệ trụ của nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Độ võng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hơn mức cho phép ảnh 2

Vị trí bị võng gây đọng nước mưa trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh chụp vào đầu tháng 9/2022.

Đồng thời dùng hệ giàn giáo định hình chống đỡ nhịp chính, đặt trên mặt đường bê tông nhựa hiện hữu sau khi đã được rải các tấm tôn để phân bố lực lên mặt đường. Bên cạnh đó, theo dõi chuyển vị hệ dầm, khung chống sau khi đã chống đỡ nhịp cầu chính.

Trong thời gian thực hiện căng cáp tạm và chống đỡ nhịp dầm để giữ hạn chế chuyển vị theo hướng bất lợi, Ban quản lý sẽ cùng các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, hoàn chỉnh phương án để thẩm định, phê duyệt, thi công khôi phục kết cấu công trình.

Tiến độ kế hoạch dự kiến tổ chức thực hiện được dự kiến chia thành hai giai đoạn. Cụ thể, ở giai đoạn 1 sẽ tiến hành sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, các đơn vị thực hiện căng cáp ngang giữa 2 mố M1, M2, trong đó thi công mương chứa cáp bằng bê tông cốt thép rồi lắp đặt ống chứa cáp trong ống bảo vệ PVC và liên kết hệ thống này vào các gối đỡ trong lòng mương. Sau đó, tiến hành các công tác căng cáp, phun vữa xi măng lấp lòng ống chứa cáp và đổ bê tông bịt đầu neo...

Bước tiếp theo là thi công phần mặt cầu, bao gồm bản mặt cầu, lan can, khe co giãn, lớp phủ được thi công tại chỗ sau khi lắp đặt xong hệ dầm chủ. Cuối cùng là lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thoát nước trên cầu. Khi lắp đặt các cấu kiện chôn sẵn phục vụ cho công tác thoát nước và chiếu sáng trên cầu cần phải kết hợp với quá trình thi công mố và dầm.

Độ võng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh hơn mức cho phép ảnh 3

Phương án khôi phục cáp dự ứng lực bị đứt. Ảnh: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM

Giai đoạn 2 là hoàn thiện, sửa chữa triệt để các hư hỏng đang tiếp tục được các các đơn vị và chuyên gia về cầu đường trao đổi, xây dựng phương án.

Liên quan đến vụ việc, Sở GTVT TPHCM đã đề nghị Ban Giao thông xem xét tạm dừng công tác thanh toán hợp đồng đối với các nhà thầu tham gia dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh để đảm bảo việc xử lý, khắc phục khi cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.

Mới đây nhất, UBND TPHCM cũng đã chính thức thành lập Tổ điều tra sự cố công trình. Trong đó, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT là Tổ trưởng.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có văn bản khẩn giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương, tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố. Từ đó, Sở GTVT đề xuất giải pháp khắc phục sự cố nêu trên theo quy định và báo cáo UBND TP trong thời gian sớm nhất.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.