Đường Khuyến Lương được đầu tư xây dựng năm 2003 nhằm giảm tải lượng xe qua qua cầu Chương Dương và Thăng Long trong dịp SEA Games 22. Từ năm 2008, tuyến đường này ngày càng hư hại vì nạn đổ trộm phế thải xây dựng. Sau một thời gian, hầu hết phế thải được san gạt ra hai bên đường làm bãi tập kết cát, sỏi, than đá… nên đường không còn rãnh thoát nước, khi nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội như ruộng cày. Các lò nhựa rải đường liên tục hoạt động, khiến bụi bẩn, mạt đá bay mù mịt, phả vào khu dân cư. Hơn 50 hộ dân sống hai bên đường phải hứng chịu ô nhiễm bụi.
Năm 2010, phường Trần Phú xây chốt gác ngăn không cho phương tiện đổ trộm phế thải. Thế nhưng, chỉ xử lý được một thời gian ngắn, nạn đổ trộm phế thải tái diễn, khiến mặt đường bị băm nát, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài 50 hộ dân, gần 20 doanh nghiệp trong khu vực cũng phải sống trong bụi bẩn do tập kết vật liệu xây dựng, phế thải đổ tràn lan.
Hơn 2 năm nay, giếng nước ăn của Trạm trinh sát kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) ở tổ dân phố 21 không thể sử dụng do bụi bẩn, phế thải. Cách trạm 20 – 30m là cả núi phế thải đổ tràn lan dọc hai bên đường. Các hộ dân không dám lấy nước giếng sử dụng mà xin nước từ khu vực lân cận. Một số hộ khác làm bể lọc, lấy nước ăn hằng ngày, nhưng chất lượng nước cũng không đảm bảo. Bà Trần Thị Vượng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 21, nói: “Cứ tình trạng hít bụi bẩn hằng ngày, không sớm thì muộn cả trăm người dân trong khu vực sẽ bị ung thư phổi”. Vừa nói, bà Vượng vừa lấy tay gạt mặt bàn bám đầy bụi bẩn đen kịt. Bà Vượng bảo rằng, cứ lau bàn ghế buổi sáng, đến trưa lại bẩn.
Theo bà Vượng, mấy năm gần đây, ở Tổ dân phố số 21 có ít nhất 7 người bị ung thư (chủ yếu liên quan đường hô hấp và đường ruột), phần lớn đã chết. Hai người đang phải điều trị hóa chất là ông Hoàng Đăng Thắng (60 tuổi) và cháu Cao Tiến Minh (2 tuổi).