Đỗ tốt nghiệp cao: Lo hơn mừng

Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp tại trường trung học Marie Curie (TPHCM) chiều 17-6-2010
Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp tại trường trung học Marie Curie (TPHCM) chiều 17-6-2010
TP - Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không nói lên chất lượng giáo dục. Phó Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, muốn tỷ lệ đỗ bao nhiêu sẽ là bấy nhiêu.

 >>Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT cao: Mừng hay lo?

Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp tại trường trung học Marie Curie (TPHCM) chiều 17-6-2010
Học sinh xem điểm thi tốt nghiệp tại trường trung học Marie Curie (TPHCM) chiều 17-6-2010 . Ảnh: TTXVN

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: Nên giao cho các sở tổ chức thi tốt nghiệp

Nếu làm hai không, lấy tiêu chí nào để đánh giá hai không có kết quả đây? Phải chăng số thí sinh trượt nhiều khi mục đích mà chúng ta hướng tới không phải là việc học sinh ngày càng học kém đi. Đến khi thí sinh đỗ tỉ lệ cao, ta cũng nói đó là kết quả hai không. Dựa vào tiêu chí nào cũng đều không thuyết phục.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết.

Tổ chức thi tốt nghiệp như mấy năm gần đây (thi theo cụm, chấm chéo, thanh tra chấm chéo...) vừa cồng kềnh, vừa tốn kém nhưng chẳng giải quyết được điều gì.

Theo tôi, nên phân cấp quản lý đối với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một ông giám đốc Sở đủ vị thế, kinh nghiệm và lực lượng để tổ chức một kỳ thi tốt. Còn Bộ GD&ĐT, một cơ quan quản lý cấp trung ương cần phải làm những việc lớn hơn là việc loay hoay tổ chức các kỳ thi.

Cũng có ý kiến nghi ngờ, để cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp thì chúng ta sẽ trở lại với thời kỳ 99% như trước đây. Nhưng theo tôi, làm việc mà không tin nhau, cấp trên cứ phải đi làm thay cho cấp dưới thì chẳng bao giờ giải quyết được điều gì. Bộ hãy tạo ra một cơ chế quản lý tốt để có thể giám sát được chất lượng thi cử thay vì đứng ra tổ chức mà chưa chắc làm đã tốt hơn.

Về tỉ lệ đỗ bao nhiêu phần trăm, tôi cho rằng điều đó không quan trọng và không nói lên điều gì về chất lượng dạy học. Không chỉ đánh giá học sinh, đánh giá chất lượng dạy học chỉ qua thi cử. Cần có những cách đánh giá khác thì mới có được kết quả thực chất.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội: Muốn tỷ lệ đỗ bao nhiêu sẽ là bấy nhiêu

PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương.

Từ khi chưa biết đề thi, tôi đã đoán tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ rất đẹp – nghĩa là đỗ cao, thậm chí rất cao. Đến khi biết đề thi thì tôi càng tin chắc vào phán đoán của mình. Kết quả như mấy hôm nay báo chí công bố không làm tôi bất ngờ. Chúng ta đã kết thúc 4 năm cuộc vận động “hai không”, ta phải có kết quả đẹp!

Tại sao tôi gọi đó là “kết quả đẹp”? Bộ GD&ĐT vừa đưa ra những con số như số thí sinh bị đình chỉ thi, giám thị bị đình chỉ coi thi đều giảm như một điều chứng tỏ kỳ thi ngày càng nghiêm túc hơn. Cùng trong bối cảnh thi nghiêm túc, năm 2007 tỉ lệ đỗ là 66%, nay trên 90%. Điều này là nhằm chứng minh, giáo dục có thành tựu nhảy vọt.

Tuy nhiên, tôi biết có những con số nói dối, có những con số nói thật. Nếu tôi là người chỉ đạo một kỳ thi, tôi muốn tỉ lệ đỗ bao nhiêu thì nó sẽ được bấy nhiêu. Một kỳ thi có ba khâu quan trọng: làm đề thi, coi thi, chấm thi.

Dù học sinh học như thế nào, tôi muốn tỉ lệ đỗ 60% là tôi sẽ được 60%, muốn 90% là được 90%, không có gì khó. Những tỉ lệ đó không nói lên được gì về chất lượng giáo dục. Nếu chúng ta muốn nó nói được nghĩa là bắt nó nói dối.

Mọi cuộc thi đều để chứng nhận bạn đã vượt qua yêu cầu nào đó tôi đặt ra trong khoá học. Tôi đặt tiêu chí thấp thì nhiều người đạt, tôi đặt tiêu chí cao thì ít người đạt. Cái chuẩn mực của kỳ thi năm nay ở mức độ nào thì còn phải bàn. Mức độ yêu cầu của đề thi chỉ là một vấn đề.

Vấn đề khác, tôi cho xem thi không chặt, tôi đọc báo thấy nói có phòng thi hầu hết thí sinh viết, “nhà báy Điện Biên Phủ bị đánh bom” (môn sử). Viết đúng phải là “nhà Máy điện Yên Phụ”. Nghĩa là có một sự nhầm lẫn được “nhân bản”. Qua chi tiết này đủ thấy họ coi thi thế nào!

Có một giáo viên trường tôi vừa tham gia chấm thi môn toán về kể lại, có một phòng thi 18/24 bài giống nhau cả sai lẫn đúng. Những điều này cho phép chúng ta nghi ngờ sự nghiêm túc ở khâu coi thi.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội trưởng Hội Tâm lý học Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng: Bệnh thành tích càng nặng nề

TS Nguyễn Tùng Lâm
TS Nguyễn Tùng Lâm.

Tôi không muốn bình luận về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vì nó thể hiện một xu hướng chung không ai cưỡng lại được. Đó là cơ chế quản lý lấy thi làm đầu. Cứ thi rồi lấy điểm, thế xem như đã xong trách nhiệm mà không cần biết chất lượng thực.

Việc dạy học chạy theo thành tích không được giải quyết thấu đáo ngay từ những cấp học dưới cứ dần dần tích tụ, dồn cục lại như cơn lũ và ai có thể ngăn chặn được dòng lũ này một khi đã vỡ đê?

Mặt khác, một tâm lý có thật trong những người làm giáo dục là không ai muốn đánh trượt học sinh cả. Vì thế mà cũng chẳng ai muốn chống lại cơn lũ đó. Cái “hai không” mà Bộ hô hào chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nó chỉ làm chững lại xu hướng chung trong năm đầu tiên, sau đó mọi cái đâu lại vào đó.

Theo tôi, cái cần quan tâm là làm sao thay đổi tình trạng đang ngày càng phổ biến: học sinh không chịu học, không có thói quen tự học và không có động lực để học tập. Những thói quen học tập tốt cần phải được bắt đầu từ nhỏ.

Do đó việc kiểm soát chất lượng cần được làm từ từng khối học, đừng đợi đến lúc thi mới làm chặt. Phải xoá đi những tỉ lệ phần trăm này nọ. Chính những mục tiêu về các tỉ lệ phần trăm cần đạt được đã làm bệnh thành tích càng nặng nề.

Quý Hiên
(Ghi )

MỚI - NÓNG