Ðô-ping vượt đại dịch

“Dịch COVID-19 như một cú sốc khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngừng trệ. Nhưng chính lúc khó khăn, chúng ta mới thấy rõ, những phẩm chất trong văn hóa doanh nghiệp Việt trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành liều thuốc hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng tốt hơn”, bà Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nhận định.
Trong lúc khó khăn, văn hóa doanh nghiệp Việt trỗi dậy mạnh mẽ, các nhân viên năng nổ, nhận nhiệm vụ cao cả

Tinh thần tương thân, tương ái

Là một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp, bà Dương Thị Liễu cho rằng, chưa bao giờ câu chuyện văn hóa doanh nghiệp được thể hiện rõ như trong thời kỳ COVID-19.

Mặc dù dịch bệnh khiến các doanh nghiệp khó khăn đủ bề, nhưng đa phần đều cố gắng chia sẻ với người lao động, đối tác hay khách hàng. 

“Lâu nay lãnh đạo có thể tập trung vào những vấn đề vĩ mô, chiến lược, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, qua tìm hiểu của chúng tôi, các chủ doanh nghiệp đầu tư tình cảm cho nhân viên nhiều hơn. Họ đến từng phòng ban hỏi về đời sống, hoàn cảnh của nhân viên ra sao. Thậm chí, doanh nghiệp còn quan tâm cách phòng chống dịch của nhân viên như thế nào”, bà Liễu cho hay.

Văn hóa doanh nghiệp còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp cố gắng tìm cách giữ chân và động viên người lao động. Bởi tâm lý người Việt, trong lúc khó khăn nếu mất việc sẽ rất kinh khủng. Bà Liễu ví dụ, trường hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam, công ty cam kết không sa thải nhân viên, thay vào đó tìm kiếm các đơn hàng mới và tận dụng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp đỡ người lao động. Lãnh đạo công ty còn cắt giảm 50% lương để đồng hành với họ.

Hay trường hợp của AEON Việt Nam, mặc dù trong thời gian giãn cách xã hội tất cả các địa điểm kinh doanh đều bị đóng cửa nhưng hơn 3.200 nhân viên không ai bị nghỉ việc và cắt giảm lương. Thậm chí, Ban giám đốc AEON Việt Nam còn xuống tận sảnh trực tiếp đón khách, gửi thư cảm ơn đến khách hàng và nhân viên vì đã luôn tin tưởng và đồng hành với công ty.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, trong lúc dịch bệnh, tính văn hóa dân tộc ẩn sâu trong văn hóa doanh nghiệp Việt được bộc lộ rõ hơn. Ðó là tinh thần tự tôn dân tộc, tính tương thân, tương ái và sự linh hoạt. Ðiển hình như câu chuyện Tập đoàn Vingroup, khi đất nước đang khan hiếm về máy thở, họ đã bất ngờ chuyển sang sản xuất máy thở và tài trợ miễn phí hàng nghìn chiếc cho Bộ Y tế.

Hay những chuyến bay của Vietnam Airlines vào tâm dịch để giải cứu những công dân nhiễm COVID-19 đang mắc kẹt ở nước ngoài. Các nhân viên không ngại hiểm nguy mà xung phong xin nhận trách nhiệm. 

“Nếu không phải văn hóa doanh nghiệp trui rèn trong một quá trình lâu dài, trong hoàn cảnh như thế này, Vietnam Airline không có được những nhân viên máu lửa, tích cực như vậy”, bà Liễu cho hay.

Trên khắp cả nước, các doanh nghiệp đều tham gia phong trào chung tay ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Có doanh nghiệp ủng hộ tiền mặt, dịch vụ, có doanh nghiệp ủng hộ khẩu trang, máy truyền dịch, đồ bảo hộ… Cảm động nhất có lẽ là câu chuyện về những cây ATM gạo, ATM mỳ tôm…cứu trợ người nghèo trong lúc khó khăn. Phía sau những cây ATM đặc biệt này đều thấp thoáng bóng dáng của các doanh nhân, doanh nghiệp. Cách làm giản dị nhưng đủ để khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

“Ðây là những nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp Việt. Dù bình thường, có thể chưa thấy rõ, nhưng mỗi lúc khó khăn, những phẩm chất đó lại trỗi dậy mạnh mẽ”, bà Liễu nhận định.

Bà Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh

“Có những nhà lãnh đạo như “nhà truyền giáo”, họ truyền cảm hứng hàng ngày cho nhân viên. Như tại Tập đoàn FPT, lãnh đạo thu hút nhân viên bằng những câu chuyện thuở ban đầu khởi nghiệp để khích lệ tinh thần làm việc, kể các câu chuyện tiếu lâm để tạo không khí làm việc vui vẻ, hay quy định nhân viên không được khen lãnh đạo mà chỉ phê bình, phản biện…”.

            Bà Dương Thị Liễu

COVID-19 giúp doanh nghiệp thay đổi bền vững hơn

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, những doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, đầu tư xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chính là những doanh nghiệp giữ được tính ổn định, và có khả năng vượt qua khó khăn tốt nhất.

Trong lúc dịch COVID-19, văn hóa doanh nghiệp giúp giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế, vật chất, đồng thời giúp củng cố tinh thần và sự đồng lòng của hệ thống nhân sự. Do đó, bà Liễu cho rằng, khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định giá trị phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, lập lại bộ máy quản trị và cách thức hoạt động...của mình.

Những cây ATM gạo, ATM mỳ tôm… được các doanh nghiệp tài trợ trong dịch COVID-19 là một nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp thể hiện tinh thần tương thân tương ái
“Chẳng hạn, như Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), khi dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống 300 cửa hàng phải đóng cửa nhưng nhân viên vẫn tình nguyện đi làm việc một số ngày không hưởng lương. Công ty nhận được sự chia sẻ rất lớn từ đội ngũ nhân viên. Ðiều này đã giúp công ty sớm vượt qua khủng hoảng khi quay lại trạng thái bình thường mới.

Chính lãnh đạo PNJ thừa nhận: COVID-19 cho PNJ cơ hội nhìn lại chính mình và rèn luyện lại sự kiên cường cho đội ngũ. PNJ đã đi qua bão COVID-19 bằng nghệ thuật quản trị doanh nghiệp bền vững mà yếu tố cốt lõi là xây dựng giá trị văn hóa doanh nghiệp và tính kiên tâm của người lãnh đạo”, bà Liễu cho hay.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, người lãnh đạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là người tạo kiến tạo, dẫn dắt cũng như truyền cảm hứng đến nhân viên những mục tiêu và cách làm.

Theo bà Liễu, một doanh nghiệp có văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu từ chính những khó khăn đó. Văn hóa doanh nghiệp còn giúp doanh nghiệp phát triển được những thương hiệu lớn mang tầm cỡ quốc gia hay quốc tế. Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, có thể kể đến những cái tên như VinGroup, Trung Nguyên Coffee, FPT, Viettel….Những doanh nghiệp này đều khẳng định  “Văn hóa là tài sản lớn nhất, và sức mạnh cho sự thành công” của họ.

Trong lúc dịch COVID-19, văn hóa doanh nghiệp giúp giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế, vật chất, đồng thời giúp củng cố tinh thần và sự đồng lòng của hệ thống nhân sự. Khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định giá trị phát triển bền vững bằng việc khởi tạo những giá trị mới, lập lại bộ máy quản trị và cách thức hoạt động...của mình.