“Đỏ mắt” tìm cán bộ y tế trường mầm non

“Đỏ mắt” tìm cán bộ y tế trường mầm non
TP- Số ca tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em trong độ tuổi mầm non tại TPHCM mỗi năm đều trên con số 30. Thế nhưng, trong tổng số 650 trường mầm non trên địa bàn chỉ có 50 trường có cán bộ y tế chuyên trách.

Trong khi đó theo các trường mầm non, họ đã mời gọi không tiếc lời, thậm chí dán thông báo tuyển dụng khắp nơi nhưng cũng chẳng cán bộ y tế nào “ghé thăm”.

“Đỏ mắt” tìm cán bộ y tế trường mầm non ảnh 1
Các trường mầm non rất khó tìm cán bộ chuyên trách y tế

“Nuôi mình không nổi thì chăm sóc cho ai!”

Sau 7 năm làm hợp đồng cho trường mầm non 9 ở P.9, Q.3, TPHCM, chị Nguyệt đành phải ra đi vì “lương không đủ mua sữa cho con uống!”.

Năm 1997- sau khi học đại học Y Dược TPHCM ra trường, chị Nguyệt xin được vào trường này với mức lương hợp đồng 900.000/tháng. Mãi đến đầu năm 2005, lương chị được tăng lên 1 triệu.

Với mức lương này, trong khi phải trang trải nhiều khoản như thuê nhà, nuôi con nhỏ... nên cuối năm 2005 chị xin nghỉ làm.

Bà Đặng Thị Kim Hoa - Hiệu trưởng trường mầm non 9 cho biết: “Kể từ ngày cô Nguyệt nghỉ đến nay, nhà trường nhờ cả hội phụ huynh tìm người giúp nhưng tìm hoài chẳng ai chịu vào làm. Họ bảo với mức lương như vậy thì mình nuôi bản thân không nổi làm sao có tâm huyết để chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Trong khi với một bác sĩ nếu ra làm tư mỗi tháng cũng kiếm được cả chục triệu đồng”.

Không chịu “bó tay”, nhiều lần cô Hoa đăng thông báo tuyển dụng, rồi kêu gọi nhưng từ năm 2005 đến nay chẳng có ai đoái hoài.“Rút cuộc Ban giám hiệu đã cử cô hiệu phó phụ trách bán trú “tay ngang” chuyên trách luôn mảng y tế”- cô Hoa nói.

Cùng tình cảnh như trường Mầm non 9 là trường Mầm non P.13, Q.10. Cô Tạ Thị Hoàng Mai - Hiệu phó trường này khi biết chúng tôi đề cập vấn đề cán bộ y tế trong trường mầm non cũng than ngắn thở dài.

“Hơn 10 năm thành lập đến nay không có ai chuyên trách y tế nên tôi làm thay. Không có chuyên môn về y tế nên có đợt tập huấn nào về y tế thì trường cử đi tham gia” - cô Mai thật lòng.

Tại trường này có khoảng 290 trẻ nhưng chỉ mình cô Mai phụ trách luôn y tế. Theo cô Mai, nhiều năm nay xin tuyển cán bộ y tế nhưng không có biên chế nên đành chịu. Vì vậy, không ít trường hợp trẻ bị tai nạn, nóng sốt, co giật... các giáo viên đều cuống cuồng lên.

Tại trường Mầm non Tư thục Họa Mi ở 168 Tô Hiến Thành, Q.10, bà Trịnh Thị Kim Cúc- phụ trách trường này cho biết: “Lâu nay chỉ hợp đồng với Trạm Y tế P.14 của Q.10 để chăm sóc cho các cháu chứ ở trường không có cán bộ chuyên trách y tế”.

Bà Cúc viện lý do “vì trường nằm cạnh trạm y tế nên các cháu có xảy ra chuyện gì đều được đưa sang trạm y tế”. Theo bà Cúc, nhiều lần mời gọi cán bộ y tế đến làm việc tại trường nhưng không ai đồng ý vì họ đòi lương cao, trong khi đó thu nhập của trường thì không có.

Bỏ ngỏ đến bao giờ?

Mới đây, Bộ GD&ĐT có quy định, trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phải có phòng y tế và nhân viên y tế từ trình độ trung cấp. Trẻ em phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần.

Từ đầu năm đến nay, tại TPHCM có khoảng 17.000 trẻ em bị tai nạn thương tích nhập viện điều trị, trong đó có 35 trẻ đã tử vong ở độ tuổi từ 0-4-độ tuổi đang theo học mẫu giáo, mầm non. Số trẻ bị ngã chiếm hơn 11.000 ca và tai nạn giao thông, hóc dị vật chiếm hơn 4.000 ca.

Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non phải quản lý, lưu hồ sơ hoặc sổ theo dõi sức khỏe của trẻ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần, sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc chuyển trẻ bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết...

Ngoài ra, mỗi trường phải có một phòng làm việc của nhân viên y tế, thuận tiện cho sơ cấp cứu ban đầu và vận chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế.

Tuy nhiên, đến nay tại TPHCM mọi việc vẫn chưa chuyển động. Trong tổng số 650 trường mầm non tư thục và công lập chỉ có 50 trường có cán bộ y tế chuyên trách y tế. Mỗi trường chỉ có độc nhất một… tủ thuốc!

Theo bác sĩ Nguyễn Tài Dũng- Phó Ban chỉ đạo Y tế học đường- Sở GD-ĐT TPHCM thì hiện thành phố có 1.200 trường các cấp có 37-40% trường có  cán bộ y tế, trong đó chỉ có 5% đạt chuẩn.

Trong khi đó, báo cáo về tình hình tai nạn thương tích của Sở Y tế TPHCM cho thấy, mỗi năm có khoảng 100 trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 tử vong, trong đó có 20- 30 trẻ trong độ tuổi mầm non do những bất cẩn gây nên.

Những con số báo động như vậy, nhưng nhiều người kiêm nhiệm y tế tại các trường mầm non không có chút hiểu biết gì về y tế. Khi trẻ bị nhức đầu, sổ mũi, nóng sốt hay co giật… họ vẫn vô tư cho dùng thuốc.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1-2 TPHCM, mỗi năm số trẻ bị ngộ độc do thuốc, hóc dị vật… do những người không hiểu biết này gây ra cũng không nhỏ. Theo các bác sĩ, số trẻ bị tai nạn dẫn đến tử vong do không được sơ cứu ban đầu trước khi đưa vào cơ sở y tế mỗi năm ở TPHCM chiếm 10%.

MỚI - NÓNG