Đỏ mắt chờ quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Nguyễn Chí Thành là người dân sống tại phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, từ khi công bố quy hoạch, chính quyền địa phương vẫn không có thông báo gì đến người dân khiến họ lo lắng không biết phải di dời hay được tiếp tục sinh sống tại đây.

“Người dân ở đây nhiều đời, có những gia đình đã sinh sống tại đây đến đời thứ 7. Nhưng đến nay vẫn không ai cho biết quy hoạch chốt ra sao để có phương án xây dựng lại nhà”, ông Thành nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều người dân sống ven đê sông Hồng từ huyện Thanh Trì, quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đến Bắc Từ Liêm đều chung ý kiến mong quy hoạch được sớm triển khai cụ thể hơn trên thực địa để có cơ hội thay đổi cuộc sống, được ngắm sông Hồng, được có đường dạo ven sông, xóa đi các bãi rác thải đổ tùy tiện ô nhiễm tại nhiều nơi ngoài bãi...

Từ đầu tháng 4 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).

Quy hoạch được đánh giá sẽ tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” đối với hàng vạn hộ dân đang sinh sống tại khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn đang chật vật với cuộc sống ngoài đê. Những nhu cầu của hàng vạn dân sống ngoài đê rất cần quan tâm giải quyết, nhiều không gian đô thị cần được cải tạo, nhiều quỹ đất cần được đưa vào khai thác có hiệu quả...

Trả lời về tiến độ triển khai quy hoạch hai bên sông Hồng, đại diện Sở QHKT Hà Nội cho biết, quy hoạch công bố là quy hoạch khung và cần có những quy hoạch chi tiết cho từng khu vực. Để có quy hoạch chi tiết, nhất là khu vực ngoài đê sông Hồng cần có phân tích đánh giá rất cụ thể từ nhiều cơ quan, trong đó yêu cầu bảo đảm an toàn đê và thoát lũ được đặt lên cao nhất. Về tiến độ công việc, theo đại diện Sở QHKT Hà Nội, rất cần sự vào cuộc khẩn trương của nhiều cơ quan, nhất là vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan quy định về an toàn đê điều.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, thay đổi bộ mặt đô thị hai bên sông, giải quyết nhu cầu của hàng vạn dân ngoài đê đang là yêu cầu cấp bách. “Tôi có cảm giác là công việc này đang bị chậm lại. Chúng ta cần nhanh hơn nữa bởi vì chậm quy hoạch chi tiết sẽ kéo theo tất cả các công việc khác cũng bị chậm theo, nhất là triển khai các đồ án, dự án hạ tầng, phát triển đô thị. Đi liền với quy hoạch, thành phố cần sớm xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng cho khu vực ngoài bãi sông Hồng”, ông Nghiêm kiến nghị.

Đừng để người dân Thủ đô và hàng vạn dân ngoài đê mỏi mòn chờ quy hoạch thêm nữa!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.