Dở khóc dở cười giữa lũ

Những phận đời khốn cùng trong lũ. Trong ảnh là bà Lê Thị Đắt và con trai bị tật nguyền (thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngồi trong thúng neo vào cột để vượt qua cơn lũ. Ảnh chụp tháng 11/2017. Ảnh: Thanh Trần
Những phận đời khốn cùng trong lũ. Trong ảnh là bà Lê Thị Đắt và con trai bị tật nguyền (thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngồi trong thúng neo vào cột để vượt qua cơn lũ. Ảnh chụp tháng 11/2017. Ảnh: Thanh Trần
TP - Cậu nhóc mặt vẫn bình thản, tay cầm cái gáo tạt nước ra từ từ, giọng cũng chậm rãi: “À, cái ghe ni nhà em phơi cả mùa nắng, hắn nứt gần hết rồi chị!”. Trời đất ơi, tôi chưa thấy ai liều như nó cả. 

Làm phóng viên miền Trung, chuyện tác nghiệp giữa bão lũ không có gì là lạ. Năm nào chẳng có. Nhưng mỗi mùa thiên tai chở về cho tôi những phù sa cảm xúc khác nhau, có khi là những phen hú vía, những câu chuyện dở khóc dở cười…

Suốt 7 năm về với ngôi nhà Tiền Phong, hầu như năm nào tôi cũng có mặt ở những rốn lũ. Năm ấy, 2013, tôi vừa mới ra trường được vài tháng thì xin về cộng tác cho báo tại Đà Nẵng. Đầu tháng 11, trời mưa sớm, dữ dội, chừng đâu hai hôm thì ngập lút. Quảng Nam ngập nặng và bị cô lập nhiều hơn. Phần vì “máu” của đứa sinh viên mới ra trường, muốn đi để biết và tự thử thách mình, phần vì thấy người ta tin bài ầm ầm mà mình ngồi không nóng ruột, nên trưa hôm ấy, tôi xách xe chạy.

Từ Đà Nẵng vào Quảng Nam nhiều đoạn đường ngập nửa bánh xe nhưng vẫn chạy cố được, đến thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) thì chào thua vì nước quá cao và chảy xiết. Tôi chần chừ mãi, đi hay không đi? Đang đắn đo, tôi thấy dòng xe tải chạy ngang liền tấp xe vào gửi một quầy thuốc, rồi xắn quần cao hơn lội ra giữa đường vẫy tay xin quá giang. Anh tài xế chắc thấy tôi người nhỏ nhỏ, mặt “tội tội” liền mở cửa, cười hiền, hỏi: “Đi đâu đây?”. Tôi đáp: “Dạ, vô trong nớ một đoạn”. Dứt lời thì nhanh chân trèo lên cabin dù anh chưa kịp nói gì. Thực tâm lúc đó tôi sợ anh không đồng ý nên leo nhanh như sóc vậy. Liếc thấy tôi cầm cuốn sổ, máy ảnh, anh biết tôi đi làm báo, liền hù “tí chiều tối nước lên cao không có xe ra ráng chịu!”.

Càng vào trong, nước càng ngập sâu. Hàng loạt nhà dân bị nhấn chìm, trường học cũng chỉ còn nhô lên phần mái. Tôi hỏi tình hình của bà con gặp hai bên đường, cho đến hơn ba giờ chiều thì lội ra vì sợ nước lên cao nữa. Vừa đi, tôi vừa coi lại hình chụp suốt buổi. Vẫn chưa có tấm nào ưng ý vì không tiếp cận được gần hơn. Ra đến quốc lộ, nguyên cả một làng bên dưới bị ngập sâu, tôi đứng nhìn quanh thấy một cậu nhóc chèo ghe tới gần. Tôi mừng rỡ nhờ cậu chở vào làng. Những căn nhà hiện ra sau lũy tre, bụi chuối bị nước ngâm quá nửa.

Người già, trẻ con đã di tản hết. Chiếc ghe luồn vào một xóm nhỏ, tôi vừa hỏi han bà con, vừa mải mê ghi chép, chụp hình. Bỗng nhiên thấy nước vào trong ghe mỗi lúc một nhiều. Hoảng quá, tôi chụp lấy cái gàu tát lấy tát để nước ra ngoài. Thú thực lúc ấy không sợ ướt người, không sợ bị đuối nước, chỉ sợ chìm ghe thì…hư mất cái máy ảnh. Đó là gia tài lớn nhất của tôi khi mới ra trường, dù nó chỉ là cái máy ảnh kỹ thuật số mẹ mua cho, dày hơn cái điện thoại thông minh bây giờ một xíu.

Cậu nhóc mặt vẫn bình thản, tay cầm cái gáo tạt nước ra từ từ, giọng cũng chậm rãi: “À, cái ghe ni nhà em phơi cả mùa nắng, hắn nứt gần hết rồi chị!”. Trời đất ơi, tôi chưa thấy ai liều như nó cả. Ghe nứt gần hết mà đem đi chèo giữa lũ, lại còn chở thêm người, cả hai không có cái áo phao nào. Tôi như bị “gài” vậy. Khóc không được, cười không xong. Trong người vừa rối vừa sợ.

Giờ ghe chìm thì xác định vứt luôn cả “gia tài”, và cũng khó lòng lội ra quốc lộ để về nhà vì có nhiều đoạn sâu lút đầu người. “Thôi tát nhanh lên em, không nước vào nữa là hết đường về”, tôi hối thúc. Hì hục cả buổi,  nước trong ghe cũng vơi, thằng nhỏ quay đầu ghe chèo đi. Tôi vừa ngồi vừa tát nước. May sao vẫn tới được mép đường bình an.

Sau lần ấy, mỗi mùa đi tác nghiệp lũ, tôi luôn chuẩn bị bao bóng, thiết bị chống nước để bảo vệ máy móc cẩn thận. Và nhất quyết chỉ bước lên ghe thuyền nào trông thật chắc chắn, có người lớn, có áo phao. Ghe của các lực lượng đi cứu trợ càng tốt.

Năm 2017 là năm lũ rất lớn. Người ta ví như trận đại hồng thủy năm 1999. Riêng huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) có hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập, các xã đều kêu nước lên nhanh quá trở tay không kịp. Tới xã Hòa Châu, cánh đồng trước mắt trắng đục, chỉ còn lô nhô mấy cái nhà tít mù xa. Đợi một lúc, có ghe cứu trợ của xã chở người ra, lúc vào lại tôi xin theo cùng. Những thôn xóm vắng lặng, nhà cửa rệu rạo giữa lũ. Nhà nào có gác lửng hoặc tầng hai mới có người. Đếm đi đếm lại chỉ được mấy căn. Ở quê mà.

Dở khóc dở cười giữa lũ ảnh 1 Nước lũ nhấn chìm làng xóm ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vào năm 2017. Ảnh: Thanh Trần

Ông chú trưởng thôn chở tôi vào những vùng ngập nặng nhất, rồi lại chở ra hội trường – nơi bà con di tản lánh lũ. Ông bảo vào xem tình hình bà con thế nào, không quên hỏi tôi có đi cùng không? Thấy ông lội xuống nước quá lưng quần, rồi lại chật vật trèo qua cái tường rào cao vút, tôi nhắm mình không leo được nên xin thôi. Vừa hay trong lúc chờ đợi có mấy ghe chở người tới nên nói chuyện đỡ buồn. Đang mải mê nghe bà con kể lũ thì có chiếc ghe của hai thanh niên trờ tới. Tôi quay qua cười chào rồi lại tiếp tục câu chuyện.

Một trong hai cậu kêu: “Chị gái ơi…”, chưa nghe hết câu thì tôi ré lên thất thanh vì thấy trước mắt mình một mớ rắn trong mẻ lưới trườn bò lổm ngổm. Vừa hét, tôi vừa lao xuống khỏi ghe, ào một phát sang cái tường lúc nãy và không biết bằng cách nào trong tích tắc tôi ngồi gọn ghẽ trên đó, dù cách đây mấy phút tôi còn đinh ninh không tài nào leo lên được. Hai cậu thấy tôi hoảng quá cũng đâm lo: “Chị ơi rắn nước thôi, không cắn không độc đâu, em không cố ý dọa chị…”.

Mặt tôi lúc ấy hình như cắt không ra giọt máu, vì nghe hai cậu nói “tái mét rồi kìa”. Cả hai vội thu mớ rắn lại bỏ vào cuối ghe, bảo tôi xuống đi, đừng sợ nữa. Nhưng hỡi ôi, cái tường cao thế này thì tôi xuống thế nào được. Không biết có phải lúc thấy rắn, người tôi đã bị tiêm một liều “đô ping” mới vượt hết giới hạn của bản thân để chinh phục cái tường không tưởng này không. Đúng là cười ra nước mắt. Vừa sợ, vừa quê độ, nhưng chẳng còn cách nào khác đành cầu cứu lại hai cậu kia… “đỡ chị xuống với!”.

Lũ cũng chở về cho tôi nhiều phù sa cảm xúc, nhiều sự đồng cảm và biết trân quý hơn những gì mình đang có. Tôi đã gặp một bà mẹ ngoài 70 tuổi đặt đứa con tật nguyền gần 30 tuổi trong thúng, rồi neo dây vào cột nhà để khỏi trôi khi nước dâng cao. Cứ vậy nước nổi hai mẹ con cùng nổi, cầm cự suốt trận lũ. Xót thương vô cùng. Hình ảnh đó được tôi phát hiện đầu tiên và đăng lên báo.

Sau đó vài hôm, lũ rút, đã có nhiều người tìm đến sẻ chia với mẹ con bà. Rồi cả một đám cưới trông đến tội nghiệp vì bị lũ tấn công. Cái rạp cưới dựng chiều hôm trước thì trưa hôm sau ngập gần một nửa. Khách mời chỉ ngót nghét chục người quá thân tình mới chịu cực đón ghe vào chung vui. Hai gia đình mếu máo nhìn đám cưới con tanh bành, rồi tự an ủi sống giữa vùng lũ, trời không thương thì đành chịu…

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.