Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 1.579 chung cư cũ, được xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1992, 5 tòa chung cư tái định cư được xây dựng từ trước năm 2001. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, rất khó xử lý vấn đề PCCC với các chung cư cũ, vì hầu hết đã xuống cấp, can thiệp các biện pháp về kết cấu dẫn đến mất an toàn. Trước mắt, chỉ có thể khắc phục bằng các biện pháp tạm thời.
Đơn cử như trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 185 cơ sở đưa vào sử dụng trước luật PCCC 2001, trong đó 156 công trình thuộc vốn đầu tư của nhà nước và 29 công trình thuộc vốn tư nhân. Khảo sát tại Khu tập thể Bách Khoa, đoàn giám sát HĐND nhận thấy nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Cụ thể, hạ tầng chung cư xuống cấp, hành lang không trang bị bình chữa cháy, không có hệ thống báo cháy. Hầu hết các căn hộ đều cơi nới, bố trí chuồng cọp. Ngoài ra, đường dẫn vào khu chung cư cũ bị lấn chiếm vỉa hè làm nơi đỗ xe, nếu xảy ra cháy, xe chữa cháy không dễ tiếp cận. Trong khu chung cư, cũng chưa có hệ thống đầu vòi cứu hỏa...
Xem xét việc cưỡng chế
Quận Thanh Xuân có 121 nhà tập thể cũ tại các phường Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Thanh Xuân Nam, Thượng Đình, Thanh Xuân Trung...tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC. Đi giám sát trực tiếp tại một số nhà chung cư cũ thuộc Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, đoàn giám sát HĐND thành phố ghi nhận, hầu hết các cơ sở vật chất tòa nhà đã xuống cấp, công tác PCCC gần như không có gì, ngoài một số trang bị bình bọt ở cầu thang. Vào thăm một nhà dân, đoàn giám sát đề nghị gia đình cắt chuồng cọp, bố trí bình cứu hỏa, xây dựng phương án chữa cháy để đảm bảo an toàn...
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề, với những chung cư cũ này, cần làm rõ việc nhà nước quản lý tỷ lệ bao nhiêu, đã bán cho người dân bao nhiêu để xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng với PCCC xử lý. Thành viên đoàn giám sát cũng nêu trang bị bình bọt cứu hỏa ít, người dân chưa nắm được các biện pháp bổ sung PCCC. Hơn nữa, những ngày rằm, ngày lễ, người dân vẫn đốt vàng mã ngay trên nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ...
Trao đổi về vấn đề này, ông Khổng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, 121 tòa nhà chung cư cũ gần như đã bán hết, nên không thể dùng ngân sách để xử lý. Trong công tác tập huấn, tuyên truyền, các chủ hộ vẫn chủ yếu cho người già, trẻ nhỏ, người giúp việc tham gia, nên công tác đầu tư bổ sung giải pháp PCCC cho căn hộ như trang bị bình bọt, cắt cửa chuồng cọp chưa hiệu quả...
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hiện nay, có quá nhiều nguy cơ cháy nổ tại các chung cư cũ khi tầng 1 bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, cầu thang, thoát hiểm bị bịt kín. Quận phải bố trí giải tỏa hành lang, để PCCC cùng vào cuộc.
“Chuồng cọp phải cắt chân, tạo cửa sổ thoát nạn. Hộ nào chưa cắt chuồng cọp, chưa trang bị bình bọt PCCC phải lập biên bản, yêu cầu ngày giờ khắc phục. Nếu không khắc phục thì cưỡng chế xử lý, tiền thực hiện người dân phải trả. Quận, phường hoàn toàn đủ thẩm quyền để làm việc này”, ông Nam nói.