Dò, bịt lỗ hổng pháp luật trong thời đại 4.0

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập.
TPO - Trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến…

Ngày 24/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu của CMCN 4.0 mang lại, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và một trong số đó là hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến…

Vì vậy, Hội thảo này nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc CMCN 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định hướng tiếp cận, các định hướng và giải pháp lớn nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đồng thời phát triển khoa học – công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, vi phạm pháp luật một cách hiệu quả.

Lộ nhiều “lỗ hổng”…

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Lê Huy Hòa, chuyên gia chính sách công nghệ thông tin nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi nội hàm khái niệm cốt lõi trong pháp luật dân sự kinh tế đó là tài sản.  

“Khi giao dịch trên mạng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như: giới hạn trách nhiệm của người mua bán đến đâu nếu liên quan đến rửa tiền, việc nộp thuế như thế nào? Làm thế nào để tận dụng các phương thức khởi nghiệp? Muốn bán sản phẩm trước khi sản xuất thì áp dụng cách thức nào? Cơ chế nào để trở thành nhà đầu tư hiệu quả mà không phụ thuộc vào quy mô vốn, tài sản?  Làm thế nào để thoái vốn hợp pháp mà không vi phạm? Ngoài ra, cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý đó là vấn đề an ninh mạng, quản lý dòng tiền, thu thuế, chống gian lận, lừa đảo…” – ông Hoà nói.

“Hiện nay trên mạng có rất nhiều hàng giả trà trộn mà thiếu quy định xử lý nên khó nắm bắt được thông tin các chủ thể sai phạm. Mặt khác, việc bồi thường thiệt hại liên quan đến sở hữu trí tuệ cần có hiện vật, bằng chứng cụ thể… để tính toán giá cả nhưng trên mạng khó nắm được và khó xác thực giá cả để bồi thường” - ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ chỉ ra một số bất cập của thời kinh doanh online.

Chuyển mình để ứng phó tội phạm công nghệ cao

Thừa nhận phương thức quản lý thuế hiện nay chưa theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên dễ tạo rủi ro cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, ông Lê Minh Khiêm, Phó trưởng phòng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết ngành tài chính đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thu nộp thuế và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong thu thuế.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội cách chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong đó tập trung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế với lĩnh vực công nghệ cao…” – ông Khiêm thông tin thêm.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong thời đại công nghệ số, xuất hiện nhiều tội phạm công nghệ cao nên đòi hỏi các ngành, trong đó có ngành ngân hàng cần sự chuyển mình mạnh mẽ để bảo vệ kho dữ liệu khổng lồ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

MỚI - NÓNG