Trưa 19/3, tại Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), nhiều phụ huynh đưa con nhỏ đến chờ đợi khám bệnh. Chị T. (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho biết, con gái 3 tuổi bị sốt mấy ngày liền kèm với triệu chứng ho, tay chân nổi bông, bứt rứt khó chịu… Hốt hoảng, chị vội đưa con lên Sài Gòn khám.
Nhiều ca nặng
BS Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nội 1 cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ nhập viện liên quan thời tiết nắng nóng tăng rõ rệt. Theo thống kê trong tháng 2/2021, số bệnh nhi nhập viện khoảng 4.000 trường hợp thì chỉ mới 2 tuần đầu tháng 3, số trẻ nhập viện đã lên tới 3.600.
Tại khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi đồng 2) số ca mắc bệnh cũng tăng nhiều trong thời gian gần đây. BS.Tăng Lê Châu Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, mỗi ngày tại Khoa có khoảng 40-60 ca đang điều trị, trong đó có từ 15-20 ca mới nhập viện/ngày, và có từ 3-5 ca mất nước nặng. Ca nặng nhất là bệnh nhi 17 tháng tuổi, sốt cao, tiêu chảy, có suy thận. Sau 6 tiếng truyền dịch, tình trạng sức khỏe đã được cải thiện. Khoa Tiêu hóa cũng đang điều trị cho 15 trẻ bị tiêu chảy nặng, trong đó có ba trẻ phải truyền dịch gấp, hai trẻ đang được theo dõi sát.
Ngoài ra, khoa còn điều trị cho nhiều trẻ khác bị nhiễm trùng đường tiêu hóa… do vi khuẩn tấn công. “Với thời tiết nắng nóng, số lượng trẻ bị bệnh tiêu hóa có thể tăng mạnh vào những tuần sắp tới”, BS Ngọc dự báo.
Khu đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng chật ních phụ huynh xếp hàng nộp sổ chờ gọi tên. Vừa dỗ đứa cháu ngoại chưa đầy tuổi đang quấy khóc, bà Tâm (ngụ tỉnh An Giang) vừa nói: “Thấy cháu sốt, ho nhưng cứ nghĩ cảm mạo thông thường nên tôi giã các loại lá cho uống, không ngờ cháu nôn nhiều, tím tái nên đưa đến bệnh viện tỉnh rồi xin chuyển lên Sài Gòn. Tại đây bác sĩ cho biết cháu bị viêm hô hấp cấp, nếu lên trễ thì rất nguy hiểm”.
Không chỉ gây khó chịu cho trẻ nhỏ, nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe người lớn và người cao tuổi. Tại Bệnh viện Thống Nhất, người cao tuổi nhập viện thời điểm này cũng tăng. Ngồi mệt mỏi chờ đến lượt làm xét nghiệm, bà Thoa (ngụ Q.10, TPHCM) cho biết: “Mấy hôm nay nắng nóng, tôi thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt, khó thở…Bác sĩ cho biết có dấu hiệu đột quỵ nên cần làm thêm một số xét nghiệm”.
Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng thông tin, thời tiết nắng nóng không chỉ số ca nhập viện do viêm da tăng mà các bệnh lý khác cũng tăng theo và nặng hơn. Bệnh viện ghi nhận khá nhiều bệnh nhân bị sạm da, viêm da, nhiễm vi nấm, lang ben, dị ứng, nổi mụn, ngứa... do tiếp xúc với ánh nắng, mồ hôi, môi trường bụi bặm, nóng ẩm.
Không chủ quan
Theo BS Nguyễn Đình Qui, những bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng thường rơi vào nhóm tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi, cảm cúm và các bệnh về da. Biểu hiện của trẻ thường là sốt cao liên tục từng cơn, phát ban sau khi hết sốt... Thay đổi môi trường sinh hoạt từ nắng nóng sang phòng máy lạnh cũng dễ sốt, ho, sổ mũi. “Ngoài ra cần phân biệt sốt xuất huyết với tay chân miệng ở thời điểm hiện tại, và đặc biệt là dịch bệnh COVID-19”, BS Qui lưu ý.
BS CK2 Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mỗi năm, vào các giai đoạn thời tiết nắng nóng, số người cao tuổi nhập viện thường tăng từ 5-10%. Hiện tại mỗi ngày, khoa Tim mạch và khoa Hô hấp của Bệnh viện Thống nhất đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám, điều trị…
“Nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Khi trời nắng nóng với nhiệt độ quá cao, không nên ra khỏi nhà. Trường hợp phải ra khỏi nhà, cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng. Người lớn tuổi có bệnh lý nền cần khám định kỳ. Người dân nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vào những ngày thời tiết nắng nóng”, BS Vũ lưu ý.
Các chuyên gia y tế dự báo với thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao, số ca bệnh hô hấp sẽ tăng trong thời gian tới. Để phòng ngừa bệnh lý hô hấp, nên tạo thói quen vệ sinh rửa tay, vệ sinh thân thể vào mùa nắng nóng thường xuyên hơn. Không nên ra ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài, đặc biệt từ 10 giờ đến 16 giờ vì lúc này cơ thể dễ bị mất nước, dễ bị virus tấn công gây bệnh đường hô hấp, bệnh về da.
BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, tia UV có nhiều tác hại với sức khỏe con người. Khi chỉ số UV cao có thể gây bỏng nắng, đỏ rát và nám da, nghiêm trọng hơn về lâu dài có thể dẫn đến ung thư da. “Do đó, khi ra ngoài trời nắng, cần mặc quần, áo dài tay, đội nón rộng vành, đeo khẩu trang dày che hết cả vành tai. Nên chọn loại vải tối màu và thông thoáng để hạn chế đổ mồ hôi. Một số quần áo được thiết kế dành riêng cho chống nắng và có đính chỉ số UPF đi kèm bôi kem chống nắng phổ rộng, chống được cả tia UVA và UVB, chỉ số SPF từ 30 trở lên và cần uống nhiều nước mỗi ngày”, BS Tú nói.
BS Tăng Lê Châu Ngọc, Trưởng khóa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi đồng 2) khuyến cáo: “Nắng nóng, tỷ lệ trẻ viêm nhiễm đường tiêu hóa khá cao nên phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có biểu hiện sốt, nôn ói… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, điều trị; tránh trường hợp nghĩ rằng bé sốt do cảm nắng thông thường, ở nhà tự theo dõi dẫn đến nhập viện muộn, để lại nhiều biến chứng đáng tiếc”.