'Đổ bệnh'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ làm việc, không phải đi lại và xử lý thủ tục nhiều lần, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính công, Hà Nội đã bỏ ra tới hơn 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây Khu liên cơ, nhằm đưa 8 sở, ngành về “cùng một nhà”.

Dự án Khu liên cơ gồm 3 khối nhà với tổng diện tích xây dựng khoảng 48.000m2. Tổng số người trong tòa nhà khoảng 2.500, trong số đó cán bộ công nhân viên là 1.200 người; số khách đến liên hệ công tác ở các sở, ngành trung bình gần 1.000 người/ngày.

Tham vọng lớn như vậy, nhưng cách làm của lãnh đạo Hà Nội thời kỳ chuẩn bị đầu tư dự án này lại “không giống ai”. Nói như vậy, bởi một dự án trọng điểm và quy mô đầu tư lớn, công năng quan trọng như vậy lại trúc trắc ngay từ khi chuẩn bị đầu tư. Khởi nguồn dự án này thực chất là Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội được Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng từ năm 2012. Mặc dù là dự án nhóm A, nằm trong Đề án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng năm 2017, UBND thành phố Hà Nội lại “bẻ lái” chuyển công năng sang thành dự án Khu liên cơ.

Chính vì sự chắp vá và thiếu đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế, công năng sử dụng nên dự án liên tục chậm tiến độ và từ khi đi vào vận hành đến nay, các sở, ngành, người dân đến giao dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Khu liên cơ cách xa trung tâm, xa trụ sở Thành ủy, UBND thành phố nên các sở, ngành có vai trò tham mưu chính như KH&ĐT, Tài chính vô cùng vất vả trong khâu di chuyển, họp hành và báo cáo công việc với lãnh đạo thành phố.

Việc cải tạo, thay đổi công năng từ trung tâm khoa học công nghệ, thành các phòng làm việc, phòng họp khiến nhiều sở, ngành cũng tốn không ít kinh phí sửa chữa, thay đổi thiết kế khi chuyển về đây làm việc. Dù mới đưa vào sử dụng, Khu liên cơ đã “đổ bệnh” khi một số tầng bị thấm dột, thang máy quá tải; nhiều sở, ngành không có phòng họp, không có chỗ đỗ xe cho cán bộ nhân viên và người dân đến làm việc.

Theo quy định của Chính phủ, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ công chức, viên chức và của người đến giao dịch làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông đối với người đến giao dịch làm việc. Tuy nhiên, tại Khu liên cơ không những người dân phải gửi xe mất tiền ở các bãi ngoài mà nhiều thời điểm họ phải đỗ tràn ra lòng đường.

Bất cập đã khiến hàng loạt các sở, ngành có văn bản xin quay về trụ sở cũ để tiện lợi trong hoạt động. Thực tế, dù thành phố chưa có văn bản chấp thuận, nhưng vừa qua Sở QH&KT Hà Nội đã quay về trụ sở cũ tại 31B Tràng Thi. Còn Sở TN&MT thậm chí chất đồ lên xe chuẩn bị chuyển đến Khu liên cơ nhưng đột ngột ở lại, quyết bám trụ trụ sở chính tại 18 Huỳnh Thúc Kháng.

Một chủ trương lớn, nhưng với cách làm thiếu bài bản, Hà Nội đang phải trả giá và nguy cơ lãng phí lớn nếu Khu liên cơ nghìn tỷ không phát huy hiệu quả. Trách nhiệm này không rõ thuộc về ai?

MỚI - NÓNG