DN xăng dầu lỗ 32-35 tỷ/ngày

DN xăng dầu lỗ 32-35 tỷ/ngày
Theo Tổng Cty xăng dầu VN (Petrolimex), hiện mỗi ngày các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang phải chịu lỗ 32 - 35 tỷ đồng vì phải gồng mình giữ giá.

Dù nhiều năm nay, Chính phủ vẫn phải bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu, nhưng phải bù mức lỗ tăng nhanh như hiện nay là quá sức.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Phó Tổng GĐ Petrolimex cho hay, Petrolimex phải tăng từ 1.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng để nhập khẩu dầu đủ đáp ứng nhu cầu bình thường của nền kinh tế; mức giá xăng dầu hiện vẫn giữ nguyên. Petrolimex cũng cho biết, chưa có đơn vị kinh doanh nào thuộc Tổng Cty báo cáo có tình trạng tư nhân mua xăng dầu bán ra nước ngoài.

Tuy nhiên, lực lượng chống buôn lậu đang tỏ ra lo lắng, nếu để mức giá trong và ngoài nước chênh lệch lớn như hiện nay thì nạn buôn lậu xăng dầu sẽ diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu thô thế giới đã nhiều lần phá kỷ lục: Ngày 1/6 giá dầu thô tại New York đạt 54,6 USD/thùng; ngày 24/6 đạt mức kỷ lục 59,85 USD/thùng và ngày 28/6 kỷ lục trên đã bị thay bằng kỷ lục mới với mức 60,64 USD/thùng sau nhiều ngày giữ ở mức 61 USD/thùng.

Khi giá dầu thế giới trong một thời gian nhất định (thường là 1 tháng) liên tục tăng hoặc giảm thì giá xăng, dầu trong nước phải được xem xét điều chỉnh.

Trước sức ép của giá dầu thế giới, các DN kinh doanh xăng dầu Việt Nam đang đứng trước tốc độ tăng khoản lỗ kỷ lục. Theo Tổng Cty xăng dầu VN (Petrolimex), hiện mỗi ngày các DN kinh doanh xăng dầu đang phải chịu lỗ 32 - 35 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng cho biết, nếu giá dầu tiếp tục tăng thì việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước là điều không tránh khỏi...

Giá dầu thế giới đã tăng như trong tháng 6 này có thể coi là tăng liên tục trong một thời gian dài đủ để xem xét điều chỉnh giá. Tuy nhiên, quyết định tăng giá xăng dầu hiện nay là hết sức khó khăn và luôn được cân nhắc nhiều bề.

Theo ông Bảo, quan điểm của Chính phủ là từng bước nâng giá xăng trong nước lên tiệm cận mức giá thế giới. Dù vậy, Chính phủ cũng không thể quyết định tăng đột ngột giá xăng dầu được, mà phải tăng theo lộ trình và phụ thuộc vào các cân đối chung và chỉ số của các ngành khác.

Theo một quan chức Bộ Thương mại, việc tăng giá xăng, dầu trong nước sẽ phải xem xét việc giá dầu thế giới tăng do đầu cơ hay chỉ do thiếu hụt sản lượng, việc tăng mang tính thời điểm hay chu kỳ? Bên cạnh đó, còn phải xem xét khả năng Mỹ có mở kho dầu dự trữ hay OPEC có tăng sản lượng hay không?

Những cân nhắc này về lý thuyết là cần thiết, song ông Vũ Thế Bằng - Chánh văn phòng Petrolimex cho hay, hiện nay các viện nghiên cứu lớn về thị trường xăng dầu của thế giới cũng chưa thể đưa ra được dự báo chuẩn.

Dự báo khả năng có đầu cơ xăng dầu không còn đúng; còn việc cung ứng xăng dầu của các nhà sản xuất trên thế giới cũng “không đủ cầu”, do công suất của các nhà máy lọc dầu hạn chế.

Tổ điều hành thị trường trong nước cho hay, OPEC cũng đã tuyên bố tăng sản lượng dầu thêm nửa triệu thùng/ngày từ 1/7 để kéo giá dầu xuống, nhưng ngay từ cuối tháng 6/2005, tổ chức này đã sản xuất ở mức 30 triệu thùng dầu/ngày mà giá vẫn bị đẩy lên cao.

Hiện nay, nếu tăng giá xăng dầu sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN trong nước. Nhưng nếu cứ gồng mình giữ giá trong khi lợi nhuận do giữ giá dầu để đảm bảo năng lực cạnh tranh của DN không đủ bù đắp cho khoản lỗ mà Nhà nước phải gánh chịu thì giữ giá sẽ ít ý nghĩa.

Nhiều người cho rằng, đã đến lúc không cần phải giữ giá xăng dầu với mức chênh lệch  với giá thế giới lớn như hiện nay.  

MỚI - NÓNG