Dính bẫy lừa của 'công an dỏm', người phụ nữ bị lừa hơn 10 tỷ đồng

Tài khoản Zalo có hình nền của đối tượng liên hệ tống đạt quyết định cho chị T để lừa đảo. Ảnh: C.A
Tài khoản Zalo có hình nền của đối tượng liên hệ tống đạt quyết định cho chị T để lừa đảo. Ảnh: C.A
TPO - Công an TP Đà Nẵng thời gian qua đã tiếp nhận một số thông tin phản ánh của người dân tố cáo việc bị lừa qua mạng xã hội. Với chiêu thức giả  danh Công an, Viện kiểm sát… các đối tượng lừa đảo đã giả các văn bản của cơ quan chức năng để gửi qua tin nhắn Zalo nhằm đe dọa, dụ dỗ người dân chuyển tiền.

Mới đây, một nạn nhân vừa đến vừa đến Công an Đà Nẵng để trình báo về việc bị các đối tượng giả mạo cán bộ Viện Kiểm sát và Công an, Tòa án nhân dân Hà Nội đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.  

Theo trình bày của chị V.T. (nhân viên kinh doanh tại một công ty tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng), khoảng 9 giờ 30 ngày 21/8, chị nhận được điện thoại từ số máy lạ, xưng cán bộ Tòa án nhân dân Hà Nội; đối tượng này nói đã gửi giấy triệu lập lần 2 cho chị liên quan đến rửa tiền và mua bán trái phép chất ma túy. Đối tượng yêu cầu trước 16 giờ 30 ngày 21/8, chị phải có mặt tại tòa án để làm việc. Sau đó, các đối tượng tiếp tục gọi và gửi qua Zalo cho chị T. “Quyết định triệu tập” của tòa án. Do mất bình tĩnh, chị T. đã làm theo mọi yêu cầu của đối tượng, qua đó bị chúng chiếm đoạt số tiền 660 triệu đồng.

Cũng với chiêu thức tương tự, vào đầu tháng 8, các đối tượng giả danh “Phòng điều tra Hà Nội” đã gọi điện và hù dọa chị T.M. (trú tại quận Hải Châu” và lừa lấy của chị này 1,5 tỉ đồng.

Hay như trường hợp, chị N.T.K (trú tại quận Sơn Trà) nhận được cuộc gọi của người từ xưng là nhân viên bưu điện thông báo có giấy triệu tập của Tòa án Hà Nội và hướng dẫn chị bấm phím số 9 trên điện thoại để gặp cán bộ điều tra. Thực hiện theo hướng dẫn, chị K. được một người xưng là “trung úy Hoàng - Phòng cảnh sát hình sự” nói rằng: chị K. là nghi phạm  của vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền rồi yêu cầu chị này phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để xác minh, điều tra. Cả tin, chị K. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của các “cán bộ” với số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Theo Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Phòng cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, có ngày số điện thoại đường dây nóng của đơn vị nhận được 4-5 cuộc gọi cung cấp thông tin về hành vi lừa đảo trên.

Theo lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập.

Ngoài ra, Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hình thức lừa đảo này, tránh để bị lừa và mất tiền oan.

Theo các điều tra viên của Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng phần mềm chạy trên hệ điều hành Android hoặc Window để tạo ra số điện thoại giả mạo. Tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản thuê người khác mở, hoặc mua lại. Trong khi số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số sim rác. Một số vụ lừa đảo gần đây là do đối tượng người nước ngoài chủ mưu. Tiền của các nạn nhân được rút ra tại các máy ATM đặt tại nước ngoài

MỚI - NÓNG