Điều tra vụ phá 5,1 ha rừng ở Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê (ở Gia Lai) đề nghị công an huyện điều tra vụ 5,1ha rừng phòng hộ bị phá, cày ủi... để trồng mía trái phép.
Điều tra vụ phá 5,1 ha rừng ở Gia Lai ảnh 1

Khu vực 34 ha rừng phòng hộ bị cày ủi để trồng bạch đàn trái phép

Ngày 23/5, theo nguồn tin của Tiền Phong, Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại rừng” đối với diện tích 5,1ha rừng bị phá và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện để điều tra.

Vị trí cày xới trên 5,1ha này thuộc tiểu khu 1061 lâm phần rừng phòng hộ do UBND xã H’Bông quản lý. Theo Hạt kiểm lâm, qua mở rộng điều tra, diện tích bị thiệt hại là 4.400m2 thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 1 xe công nông độ chế chở mía giống để trồng trên diện tích bị cày xới này.

Vào ngày 28/9/2021, Hạt kiểm lâm huyện này cũng ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại rừng” đối với diện tích 11,5 ha rừng tại tiểu khu 1065 (nằm trong vụ án 34ha rừng bị phá) cũng do UBND xã H'Bông quản lý. Trên diện tích này, cơ quan chức năng phát hiện có 200 cây rừng bị cưa chặt, vứt bỏ ở bìa suối; diện tích thiệt hại được xác định là 115.800m2.

Trước đó, báo Tiền Phong đã có các bài viết “Phá rừng phòng hộ ở Gia Lai để trồng bạch đàn trái phép”; “Để 34ha rừng bị phá, Hạt trưởng Kiểm lâm và Chủ tịch xã nhận kỷ luật”, phản ánh vào tháng 9/2021, chính quyền huyện Chư Sê phát hiện 34ha đất rừng bị ủi, cày xới trái phép

Trong đó, trên diện tích 23ha đất rừng có 36.852 cây bạch đàn mọc lên trái phép ở đây. Đối với 11,58ha đất rừng bị ủi trắng, sát bìa suối có khoảng 200 gốc cây rừng kích thước từ 10-25cm bị vùi lấp, bể nát, diện tích này chưa trồng cây. Vì có cây rừng thiệt hại, Hạt kiểm lâm đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT.

Về vấn đề này, đại diện Công an huyện Chư Sê cho biết: "Vụ việc vẫn đang trong tiến trình điều tra".

Đối với diện tích 23ha rừng, Hạt kiểm lâm cho rằng trên diện tích có 36.852 cây bạch đàn mọc lên là khu vực đất của người đồng bào làng Héc và Dờ Lâm đã sinh sống, canh tác trước khi di dời theo văn bản (năm 1995) của UBND tỉnh Gia Lai. Sát với diện tích trồng bạch đàn nói trên có một số nương rẫy của đồng bào đang trồng điều, mì và có khu nhà mả của người dân tộc thiểu số. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu, Hạt Kiểm lâm và các ngành không đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm để khởi tố vụ án hình sự.

Trong vụ để mất 34ha rừng, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Chư Sê tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách; ông Nguyễn Minh Huân, Kiểm lâm địa bàn xã H’Bông nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch xã nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã.

MỚI - NÓNG