Diệu Thảo cho biết cô ước mơ làm giáo viên dạy đàn tỳ bà từ khi còn nhỏ. |
Tôi yêu nghề giáo, yêu đàn tỳ bà
- Đã hơn 20 năm kể từ khi bộ phim "Phía trước là bầu trời" lên sóng, khán giả vẫn nhắc tới Diệu Thảo với vai diễn đầu tiên cùng tên?
- Thời gian qua lâu như vậy rồi mà khán giả vẫn nhớ tới Diệu Thảo, vẫn gọi “cô bé mất xe đạp” khiến tôi vui và ngạc nhiên. Trong phim, tôi chỉ đảm nhận một vai nhỏ, vậy mà khán giả vẫn quý mến, yêu thương và có ấn tượng về mình, liệu rằng tôi quá may mắn chăng?
Khi lần đầu đóng phim, lần đầu diễn xuất, bộ phim qua từng đó thời gian khán giả vẫn xem đi xem lại, điều đó quá tuyệt vời.
Thời điểm đó, bộ phim gần như chiếm trọn tình cảm của khán giả ở mọi lứa tuổi, họ yêu thích bộ phim nên tất cả diễn viên trong phim đều được quan tâm. Có lẽ vai Thảo cũng có nhiều nét tương đồng với các bạn đi ôn thi đại học thời bấy giờ nên ai cũng… tò mò và quan tâm đến tôi chăng?
Cô bé Thảo hiền lành, ngây ngô trong phim, bước ra ngoài đời cũng ngây ngô như vậy. Thật ra trong phim với ngoài đời tôi không khác nhau là mấy. Tôi không phải là diễn viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, vậy nên vai diễn mà như không cần diễn vì gần như “tôi bê nguyên xi mình lên phim”. Có lẽ cái nét thật, nét đời đó khiến khán giả dễ cảm, dễ yêu và cũng dễ nhớ.
Tôi không phải là diễn viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, vậy nên vai diễn mà như không cần diễn vì gần như “tôi bê nguyên xi mình lên phim”.
- Tại sao chị từ bỏ nghiệp diễn xuất?
- Như tôi vừa chia sẻ ở trên, tôi không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Khi được mời đóng phim, đó thực sự là màn thử sức ngoạn mục vì tôi có bao giờ nghĩ mình sẽ đóng phim hay ước mơ trở thành người nổi tiếng đâu, không hề có khái niệm gì cả.
May mắn là tôi học nhạc, cụ thể là học đàn tỳ bà. Đó chính là môi trường biểu diễn, giúp tôi có thêm sự tự tin khi đối diện với máy quay, với ê-kíp và diễn trước đám đông.
Diệu Thảo cho biết lý do duy nhất khiến cô gắn bó với nghề giáo 20 năm qua là tình yêu. |
Tôi không nghĩ mình sẽ làm diễn viên phim truyền hình, nhưng khi đã nhận vai thì lại vô cùng say mê và nghiêm túc.
Tôi nghĩ rằng làm gì cũng phải đến nơi đến chốn, nỗ lực, cầu thị và cố gắng bằng tất cả khả năng. Nhưng tôi xác định cũng chỉ thử sức đến đó thôi vì tôi yêu chuyên môn mà mình được đào tạo, đó là âm nhạc, đó là cây đàn tỳ bà gắn bó với mình từ khi còn nhỏ.
Cây đàn tỳ bà là cả tuổi thơ của tôi và cũng là dấu mốc, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Chính vì thế, tôi kiên định với con đường mình lựa chọn từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành - ước mơ trở thành giảng viên đàn tỳ bà. Tôi yêu nghề giáo, yêu đàn tỳ bà nên tôi xác định mục tiêu và kiên định với con đường mình theo đuổi.
- Nhiều người cho rằng Diệu Thảo đi ngược bởi từ việc có hào quang, chị chọn nghề giáo, âm thầm cống hiến trên giảng đường?
- Điều này chính xác với tôi vì tôi yêu đàn, yêu nghề giáo. Khi làm việc và dạy học, tôi luôn mong muốn cây đàn của mình tiếp cận với càng nhiều khán giả càng tốt, càng nhiều khán giả biết đến càng tốt, càng nhiều đối tượng quan tâm đến cây đàn tỳ bà thì càng hay.
Chung quy, tôi làm gì cũng nghĩ cho cây đàn, cho nghề giáo của mình tốt lên và phát triển hơn. Vậy thì sự nổi tiếng, ánh hào quang là con đường tốt để tiếp cận khán giả, thế nên tôi cứ cố gắng và nỗ lực hết sức để mình không phải tiếc nuối điều gì, không bỏ qua cơ hội nào để quảng bá cây đàn của mình.
- Lý do nào khiến chị gắn bó với nghề giáo suốt 20 năm qua?
- Lý do duy nhất là tình yêu. Có yêu, có đam mê, có thương trẻ nhỏ, có nặng lòng với đàn tỳ bà mới có thể gắn bó lâu như vậy.
Chặng đường nào cũng có những thăng trầm, gần 20 năm với biết bao nỗi niềm, bao kỷ niệm, nhưng chưa một lần nào tôi từ bỏ. Lúc nào tôi cũng đau đáu và trăn trở, luôn mặn mà một tình yêu vô bờ bến với đàn tỳ bà, với lũ trẻ thơ ngơ ngác đến trường. Có lẽ, các bạn nhỏ cũng chính là hình bóng của tôi từ bao nhiêu năm trước, thế hệ nối tiếp thế hệ, sẽ mãi gắn bó cho dù có là 20 năm hay nhiều hơn thế nữa…
Diệu Thảo tâm sự chặng đường gần 20 năm gắn bó với nghề giáo với biết bao nỗi niềm, bao kỷ niệm nhưng chưa một lần nào cô từ bỏ. |
Nghề giáo chẳng bao giờ giàu được
- Giảng dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là đàn tỳ bà, chị gặp những khó khăn gì trong bối cảnh hiện nay giới trẻ thích nhạc rap hay những nhạc cụ hiện đại?
- Không gì là dễ dàng, đặc biệt là trong âm nhạc. Người ta vẫn hay nói “đào tạo đỉnh cao”, “đào tạo năng khiếu”, cái gì hiếm thì lại càng khó vì nó không thuộc về số đông. Vậy người dạy nhạc cụ truyền thống nói chung và đàn tỳ bà nói riêng có nhiệm vụ khó hơn bình thường, đó là phải làm cho nghệ thuật truyền thống tiếp cận gần hơn với khán giả, phải luôn sáng tạo, tìm tòi và tìm ra được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo để người ta thêm hiểu, thêm yêu.
Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại hiện nay được nhiều nhạc sĩ quan tâm và khai thác.
Nghề giáo chẳng bao giờ giàu được. Làm nghề giáo như tôi chỉ có… nghèo thêm vì tôi tâm niệm dạy miễn phí từ ngày bắt đầu sự nghiệp.
- Chị nghĩ sao khi nhiều người nói nghề giáo nghèo?
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nghề giáo chẳng bao giờ giàu được. Làm nghề giáo như tôi chỉ có… nghèo thêm vì tôi tâm niệm dạy miễn phí từ ngày bắt đầu sự nghiệp. Với hai mục đích chính đó là những bạn có hoàn cảnh khó khăn nếu yêu thích, chăm chỉ và ham học vẫn có thể học nhạc, học đàn tỳ bà, học cô Thảo.
Mục đích thứ hai là khuyến khích những tài năng thực sự, các bạn không bao giờ phải lo lắng đến chuyện học phí cao hay thấp, có đủ để đóng học hay không? Các bạn chỉ cần lo học thôi. Như vậy thì giàu tình cảm thôi, mà giàu tình cảm là giàu nhất rồi. Với tôi thế là đủ đầy nhất.
"Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn tạo điều kiện để các thầy cô được dạy học và biểu diễn rất linh hoạt", Diệu Thảo chia sẻ. |
- Chị sắp xếp thời gian ra sao để vừa có thể lên lớp, vừa có thể đi trình diễn với tư cách nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà?
- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam luôn tạo điều kiện để các thầy cô được dạy học và biểu diễn linh hoạt. Không bị gò bó, áp lực bởi chuyện điểm danh hoặc phải làm theo giờ hành chính. Tôi dạy chuyên ngành nên một tuần chỉ phải lên lớp một số thời gian cố định.
- Cuộc sống hiện tại của chị thế nào?
- Công việc và cuộc sống hiện tại của tôi cũng ít nhiều thay đổi. Hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến tôi chuyển mình khá mạnh sang sản xuất… YouTube, giống như một kho dữ liệu để giảng dạy và biểu diễn cũng như phản ánh lại toàn bộ quá trình làm việc, cống hiến.
Ngoài ra, nhiều nội dung đề cập trên kênh khá phong phú khiến tôi thấy yên ổn hơn. Thế rồi, hết dịch là liên tục những chuyến công tác nối dài, tôi mệt nhưng cũng thấy vui, vì dường như guồng quay công việc cuộc sống đã dần trở lại bình thường.
"Tôi nghĩ rằng mỗi ngày sống là một ngày trọn vẹn yêu thương, có như vậy ta mới thấy hết được ý nghĩa sống, mục đích tồn tại của bản thân", Diệu Thảo thổ lộ. |
- Bí quyết nào giúp chị có làn da và hình thể thon gọn?
- Tôi nói không với rượu bia, chất kích thích và sống cuộc sống lành mạnh trong khả năng có thể. Như vậy có thể nói rằng tinh thần và sự quyết tâm là rất quan trọng. Tôi cũng luôn ý thức để giữ gìn hình thể cũng như vẻ ngoài luôn tươi sáng, khỏe mạnh và tràn ngập niềm vui.
Năng lượng tích cực sẽ khiến cuộc đời tích cực, nhìn mọi thứ cũng đẹp hơn, khi soi gương mà cười với mình một cái, nghĩa là mình đã thấy điều đẹp đẽ, thấy niềm vui, thấy đời tươi đẹp.
Có lẽ, đẹp cũng là một cách tự hài lòng với bản thân, yêu những gì mình có, trân trọng bản thân, khi mọi thứ tích cực thì làn da, thân hình, mái tóc…mọi thứ đều đẹp theo cách của riêng mình.
- Quan điểm sống mà chị tâm đắc?
- Tôi nghĩ rằng mỗi ngày sống là một ngày trọn vẹn yêu thương, có như vậy ta mới thấy hết được ý nghĩa sống, mục đích tồn tại của bản thân.