Chính sách BHXH áp dụng cho NLĐ làm trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước bắt đầu được quy định từ Bộ Luật LĐ năm 1994, có hiệu lực từ 1/1/1995. Từ đó tới nay, quy định về điều kiện hưởng BHXH 1 lần đã có những thay đổi.
Cụ thể, tại Điều 145 Bộ Luật LĐ năm 1994, áp dụng từ 1/1/1995 quy định: NLĐ nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng được hưởng trợ cấp 1 lần.
Mức hưởng trợ cấp 1 lần: bằng 1 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH (Điều 28 Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 về Điều lệ BHXH).
Điều kiện hưởng BHXH 1 lần được quy định hoàn chỉnh tại Nghị định 01/2003, ngày 9/1/2003 của Chính phủ. Cụ thể (sửa Điều 28), những trường hợp được hưởng BHXH 1 lần, gồm: NLĐ nghỉ việc đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Các trường hợp nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu được cấp sổ BHXH và bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục đóng khi có điều kiện, tới tuổi nghỉ hưu nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng BHXH 1 lần.
Với các quy định trên, NLĐ chỉ được hưởng BHXH 1 lần khi tới tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu hàng tháng.
Chỉ 2 trường hợp được rút BHXH 1 lần khi nghỉ việc trong độ tuổi LĐ, gồm: người đi định cư hợp pháp ở nước ngoài; NLĐ mất sức từ 61% trở lên chưa đủ thời gian đóng BHXH để nhận trợ cấp hàng tháng.
Các quy định trên được áp dụng tới hết năm 2006.
Năm 2006, Luật BHXH đầu tiên được ban hành tách khỏi Bộ Luật LĐ, áp dụng từ ngày 1/1/2007, với điều kiện hưởng BHXH 1 lần thông thoáng hơn (Điều 55), ngoài các đối tượng như trước đây, bổ sung thêm: NLĐ sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu sẽ được nhận BHXH 1 lần. Mức hưởng BHXH tăng từ 1 lên 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH.
Sau 7 năm áp dụng quy định mới bổ sung trên, nhiều người trong độ tuổi LĐ khi nghỉ việc 1 năm đã lựa chọn rút BHXH 1 lần. Cùng với mức hưởng BHXH 1 lần tăng lên, trở thành 1 khoản tiền đáng kể, càng khuyến khích người LĐ rút BHXH 1 lần thay vì bảo lưu để đóng tiếp nhằm hưởng lương hưu sau này.
Nhận thấy bất cập này, Luật BHXH năm 2014 đã “siết” lại điều kiện hưởng BHXH 1 lần. Cụ thể, tại Điều 60 (áp dụng từ 1/1/2016), NLĐ được hưởng BHXH 1 lần khi: Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh hiểm nghèo.
Mức hưởng BHXH 1 lần: bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014, và bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Với quy định tại Điều 60 kể trên, người trong độ tuổi LĐ khi nghỉ việc sẽ không được rút BHXH 1 lần. NLĐ chỉ được hưởng BHXH 1 lần khi tới tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trước Điều 60 có hiệu lực, đã xảy ra phản đối tại một số nhà máy, khu công nghiệp, nên Quốc hội phải ban hành nghị quyết 93/2015, tiếp tục cho người trong độ tuổi LĐ được rút BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc, và áp dụng tới nay.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, đã có hơn 3,7 triệu người lao động rút BHXH 1 lần. Bình quân mỗi năm có 2 người tham gia BHXH sẽ có 1 người rời khỏi hệ thống. Điều này ảnh hưởng tới định hướng an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, nên đã đề xuất sửa đổi Luật BHXH để giảm tỷ lệ rút BHXH 1 lần.