Hàng chục xe treo các biểu ngữ ở phần đầu và hai bên thành xe với nội dung được ghi trên nền vải đỏ: “Phản đối BOT Bờ Đậu”, “Trả lại đường cho dân”…
Tham gia đoàn diễu hành qua trạm thu phí Bờ Đậu (trạm thu phí dự án đặt tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên) có nhiều loại xe từ xe 5 chỗ đến xe tải, xe taxi, trong đó có nhiều xe còn in hình logo, tên tuổi nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Khi đi qua trạm thu phí BOT Bờ Đậu, các xe nối hàng dài đi ở làn đường ngoài cùng trạm thu phí (làn dành cho xe thô sơ). Làn đường này không có barie chắn ngang nên các phương tiện không dừng lại để trả phí. Khi qua trạm, các xe cố tình đi thật chậm.
Lý giải nguyên nhân tham gia đoàn diễu hành sáng nay, anh Dũng - một chủ ô tô tải sống tại làng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng huyện Phú Lương (QL3) cho biết: Về nguyên tắc, đường BOT xây dựng ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó, tuy nhiên nhà đầu tư làm cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn nhưng lại đặt trạm thu phí trên QL3 là không thuyết phục.
“Nhà đầu tư đặt trạm trên QL3 với lý do đã nâng cấp một đoạn QL này. Nhưng lý do đó không thuyết phục. QL3 được đầu tư bằng tiền ngân sách, đường còn tốt, nếu có nâng cấp thì cũng tạo thuận lợi cho phương tiện đi vào cao tốc, phục vụ dự án. Như vậy mà thu của người dân chúng tôi tới 35.000 đồng/lượt bằng đi cả lượt trên cao tốc là quá vô lý” - anh Dũng bức xúc.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) – Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc là nhà đầu tư dự án theo hình thức BOT.
Sau 2 năm thi công, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành.
Trước phản ứng của người dân ven QL3 về mức phí, ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết, tỉnh đang làm việc với nhà đầu tư để đưa ra các phương án, trong đó có việc giảm phí cho phù hợp với điều kiện của người dân địa phương.
Thông tin với Tiền Phong chiều 27/7, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco4 cho biết, mức phí 35.000 đồng/lượt mới là dự kiến và thực tế trạm chưa thu phí phương tiện qua lại.
Tuy nhiên do người dân và chính quyền địa phương có ý kiến sau khi mức phí trên được đưa ra, nên nhà đầu tư đã trình liên Bộ GTVT – Tài chính có phương án giảm phí qua trạm cho phương tiện của người dân. Mức giảm thế nào, sau khi Bộ GTVT có thông báo, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh cụ thể.