Điều chưa biết về phát thanh viên đọc thông cáo Hiệp định Paris năm 1973

TPO - NSƯT Trần Phương là người đọc thông cáo ký kết Hiệp định Paris 1973 và bài bình luận đầu tiên vào chiều 30/4/1975 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định với toàn thế giới về ngày thống nhất của đất nước. Đó cũng là kỷ niệm vô giá trong sự nghiệp phát thanh viên của ông. 

80 tuổi vẫn tự tin lên sóng

NSƯT Trần Phương - giọng đọc vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam - qua đời lúc 7h5 sáng 22/11, hưởng thọ 90 tuổi.

Tên khai sinh của NSƯT Trần Phương là Nguyễn Bá Thế. Ông sinh năm 1935 tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. NSƯT Trần Phương tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, ông hoạt động trong ngành Quân báo Tây Nam bộ. Năm 1954, ông cùng đoàn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong sự nghiệp phát thanh viên, NSƯT Trần Phương gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1994. Trong đó có 5 năm ông được lãnh đạo phân công làm chuyên gia tại Đài Mát-xcơ-va thuộc Liên Xô (cũ).

Trần Phương là phát thanh viên Nam bộ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1993). Năm 1994, ông về Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ làm việc và có nhiều học trò. Sau khi về hưu, ông vẫn cộng tác đều đặn với đài. NSƯT Trần Phương tự tin ngồi trước micro ở tuổi 80.

NSƯT Trần Phương (phải) và học trò Lê Hà Bảo Duy.

Giảng viên Lê Hà Bảo Duy (Trường ĐH Văn Lang TPHCM) từng là học trò của NSƯT Trần Phương. Anh khẳng định NSƯT Trần Phương rất yêu nghề, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp phát thanh - truyền hình.

"Thầy sống rất giản dị, chưa từng đòi hỏi bất cứ điều gì. Năm tôi vào làm phát thanh viên của đài có nhờ riêng thầy kèm cặp mà thầy chẳng đòi hỏi gì hết. Ông là tấm gương sáng về nhân cách, lối sống và đạo đức cách mạng", anh Bảo Duy nói.

Giọng đọc quen thuộc của tin kháng chiến

NSƯT Trần Phương nổi tiếng với giọng đọc khỏe khoắn, truyền cảm đậm chất Nam bộ. Ông là một trong bốn giọng đọc miền Nam đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời chiến tranh, giọng đọc của ông vang khắp các chiến trường. Ông tham gia những đêm trực chiến suốt Tết Mậu Thân 1968, bản tin thông báo về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày diễn ra tang lễ của Người.

NSƯT Trần Phương gắn bó với chuyên mục Quốc phòng toàn dân Quân khu 9 và Đọc truyện đêm khuya.

Ông là người đọc thông cáo ký kết Hiệp định Paris 1973 và bài bình luận đầu tiên vào chiều 30/4/1975 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định với toàn thế giới về ngày thống nhất của đất nước. Đó cũng là kỷ niệm vô giá trong sự nghiệp phát thanh viên của NSƯT Trần Phương.

Ông từng kể: “Tôi hạnh phúc và không thể nào quên thời khắc được đọc thông cáo Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và bài bình luận chiều 30/4/1975 của nhà báo Trần Lâm. Đó là bài bình luận đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định hùng hồn với toàn thế giới: Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, Việt Nam vang bản anh hùng ca đại thắng, non sông vẹn toàn một dải.

Ông còn nhớ ngay chiều tối hôm đó, Hà Nội rực rỡ pháo hoa. Mọi người ùa ra phố mừng miền Nam giải phóng.

Những năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là giai đoạn đất nước chiến tranh, NSƯT Trần Phương luôn trong trạng thái “ngày Bắc, đêm Nam” để cập nhật tin tức. Ông cho biết phát thanh viên muốn giỏi nghề ngoài thanh quản tốt còn phải biết tích hơi, luyện thở, gom đủ vốn sống và tình cảm vào từng con chữ.

NSƯT Trần Phương vẫn làm việc sau khi nghỉ hưu.

Ngoài những tin tức trong thời chiến, NSƯT Trần Phương gắn bó với chuyên mục Quốc phòng toàn dân Quân khu 9 và Đọc truyện đêm khuya - thương hiệu quen thuộc với đông đảo thính giả.