Điều chỉnh xe buýt khi đường sắt Cát Linh–Hà Đông đi vào hoạt động

Hà Nội đang nghiên cứu các phương án để điều chỉnh các tuyến xe buýt nhằm liên thông với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Hà Nội đang nghiên cứu các phương án để điều chỉnh các tuyến xe buýt nhằm liên thông với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
TPO - Theo phương án dự kiến của Hà Nội, khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, thành phố có thể điều chỉnh lại một số tuyến xe buýt cho phù hợp hơn nhằm liên thông các hệ thống vận tải công cộng.

Ngày 20/9 vừa qua, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam (tuyến Cát Linh – Hà Đông) đã chính thức đưa vào vận hành thử liên động. Theo kế hoạch, sớm nhất là trước Tết Nguyên đán 2019 dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại.

Khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động thương mại, Hà Nội dự kiến sẽ điều chỉnh luồng tuyến, tần suất một số tuyến xe buýt để phù hợp với tuyến đường sắt này, đặc biệt các tuyến xe buýt hoạt động trên Quốc Lộ 6 (từ bến xe Yên Nghĩa tới Ngã Tư Sở): Đoạn Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) – Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông).

Ông Chu Quang Trung -  Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho hay, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Với tuyến Quốc lộ 6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở nhiều tuyến buýt chạy trùng với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trong đó có 6 tuyến trùng 75% lộ trình (01, 02, 19, 21A, 21B, 27); 13 tuyến có lộ trình hoạt động cắt ngang trục Quốc lộ 6 trùng 25%, như 05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62…

Ngoài ra, có một số tuyến buýt ngoại thành kết nối với tuyến đường sắt, như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa...

Do đó, theo ông Trung, khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, các tuyến xe buýt trên sẽ cần điều chỉnh để vừa kết nối, gom khách cho tuyến đường sắt, vừa giải toả khách đi các hướng khác. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (đơn vị tổ chức các tuyến xe buýt) cho hay: Cách đây 2 năm, thành phố đã chỉ đạo tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là bước thay đổi lớn của giao thông công cộng thành phố, có thể đáp ứng tốt các tiêu chí phát triển hệ thống vận tải công cộng nhanh, đúng giờ.

Theo phương án dự kiến, vận tải xe buýt sẽ kết nối gom khách và giải toả khách cho các nhà ga. Đồng thời, tiếp cận các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ô tô bằng cách có điểm đỗ xe, gửi xe để đi đường sắt; tiếp cận với người đi bộ.

Khi đường sắt trên cao vào vận hành sẽ giảm dịch vụ những tuyến có tỉ lệ song trùng cao. Trên 20 tuyến còn lại, cần tổ chức lại để nâng cao tính kết nối cho các nhà ga. Dự kiến sẽ báo cáo Sở GTVT Hà Nội để có điều chuyển sớm.

Cùng đó, sẽ di dời các điểm xe buýt đến các ga đường sắt. 

“Hiện một số tuyến xe buýt đã bắt đầu điều chỉnh, đang đi vào trọng tâm, và chúng tôi tiếp tục điều chỉnh để giảm tối đa dịch vụ những tuyến song trùng, khi nào có đoàn tàu chạy sẽ giảm dần các tuyến song trùng. Nghiên cứu đến các tiện ích, bãi đỗ xe để thu hút lượng hành khách sử dụng xe cá nhân và người đi bộ”, ông Hải cho biết.

Được biết, hiện Hà Nội đang ban hành khung pháp lý và tiến tới xây dựng thẻ đi các phương tiện công cộng sẽ dùng chung cho cả đường sắt, xe buýt, đỗ xe…

Về giá vé, hiện Hà Nội chưa công bố phương án chính thức về giá vé cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nhưng theo khảo sát ý kiến người dân, giá vé có thể rơi vào khoảng 10.000 đồng/lượt là chấp nhận được. Giá vé sẽ do UBND TP Hà Nội ban hành.

MỚI - NÓNG