Điều chỉnh địa giới hành chính giữa 3 quận ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho điều chỉnh địa giới hành chính giữa 3 quận ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho điều chỉnh địa giới hành chính giữa 3 quận ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ
TPO - Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy của thành phố Hà Nội có hiệu lực từ 1/7 sau khi kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp hoàn tất.

Sáng 27/4 tại phiên họp thứ 55, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định về việc điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc thành phố Hà Nội và tại một số tỉnh.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, quận Bắc Từ Liêm có 13 phường, trong đó, phường Cổ Nhuế 1 có 232,6 ha diện tích tự nhiên; dân số 45.274 người. Quận Nam Từ Liêm có 10 phường, trong đó, phường Mỹ Đình 2 có 196,13 ha diện tích tự nhiên; dân số 32.000 người.

Còn quận Cầu Giấy có 8 phường, trong đó: Phường Nghĩa Tân có 57,33 hadiện tích tự nhiên; dân số 22.207 người. Phường Nghĩa Tân đang quản lý 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm); phường Mai Dịch có 199,76 ha diện tích tự nhiên; dân số 40.511 người. Phường Mai Dịch đang quản lý tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm).

Về phương án, Chính phủ đề xuất điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 10,32 ha; dân số 6.096 người.

Đồng thời điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 1,86 ha; dân số 703 người.

Đối với Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấyquản lý giữ nguyên hiện trạng.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, thực tế quản lý dân cư ngoài địa giới hành chính của các phường Nghĩa Tân, Mai Dịch (quận Cầu Giấy) thời gian qua là không đúng quy định, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý của chính quyền các cấp, nhất là công tác quản lý cư trú, đảm bảo an ninh trật tự và việc quản lý hành chính trên các lĩnh vực như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục… đồng thời, làm ảnh hưởng đến người dân trong việc thực hiện các giao dịch hành chính và thực hiện các nghĩa vụ của công dân đối với cơ quan nhà nước ở địa phương.

Do những bất cấp nêu trên, nhân dân sinh sống tại 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân và tại tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 đều có nguyện vọng được chính thức điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về quận Cầu Giấy quản lý.

Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới toàn bộ diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân từ phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý và toàn bộ diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 từ phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý là cần thiết, nhằm giải quyết dứt điểm những bất cập trong quản lý địa giới hành chính và dân cư, bảo đảm đúng quy định pháp luật và được sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) bảo đảm các điều kiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và phù hợp với Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với thời gian điều chỉnh có hiệu lực từ 1/7 để địa phương có thời gian chuẩn bị, không ảnh hưởng đến quá trình bầu cử tới đây.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý khi Nghị quyết có hiệu lực, phải bắt tay triển khai ngay để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, phải đưa ra định mức bao giờ thực hiện xong chủ trương đã được thông qua.

Cuối phiên thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết, có hiệu lực từ 1/7.

MỚI - NÓNG