“Điệp viên” người Pháp và cuộc môi giới ngoại giao

“Điệp viên” người Pháp và cuộc môi giới ngoại giao
Đến sân bay quốc tế Dulles lúc 17 giờ 45 ngày 14/7/1969 trên chuyến bay 039 của Hàng không Pháp, ông Jean Sainteny được đưa ngay tới khách sạn Hays Adams.
“Điệp viên” người Pháp và cuộc môi giới ngoại giao ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny trong chuyến bay tới Vịnh Hạ Long

Tại đây, một căn phòng đã được Nhà Trắng đặt chỗ cho nhân vật tên là "Edward McCarthy, Cty Quang học Mỹ". Sainteny bí mật đến Mỹ với một vỏ bọc mới. Sainteny từng là Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh, đại diện cho Chính phủ Pháp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào bản Hiệp định sơ bộ năm 1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng biết khá rõ về Sainteny qua các lần gặp gỡ. Sainteny cũng là bạn của Ngoại trưởng Henry Kissinger. Mỗi lần đến Paris, Kissinger thường dành thời gian đến thăm vợ chồng Sainteny tại căn hộ sang trọng của họ trên đường Rivoli, trung tâm thành phố.

Đây không phải là lần đầu tiên Sainteny được mời đến Washington. Vài ngày sau khi Tổng thống Nixon làm lễ nhậm chức, Sainteny gửi thư cho Kissinger tỏ ý bi quan về triển vọng hoà bình. Kissinger chuyển ngay lá thư ấy cho Nixon đồng thời nói với Tổng thống rằng: "Căn cứ vào tâm trạng lúc này của VNDCCH, có lẽ những sáng kiến mới không tạo ra nhiều khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên đưa ra một sáng kiến khác vì cuộc đàm phán ở Paris vẫn không có tiến triển".

Sainteny từng nói chuyện với phái đoàn VNDCCH tại Paris, nhưng không khởi động được các cuộc tiếp xúc bí mật vì VNDCCH không chắc liệu Sainteny có thực sự đại diện cho Tổng thống Mỹ hay không. Sainteny cũng đã đóng vai trò trung gian cho phái đoàn Mỹ - VNDCCH trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Johnson và Nixon (1968-1969).

Nay Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger muốn đem Sainteny trở lại Washington để đánh giá lại tình hình Việt Nam và  "nhờ Sainteny dàn xếp cuộc gặp gỡ giữa Kissinger và ông Lê Đức Thọ".

Bí mật được đặt lên hàng đầu. Không ai biết tại sao Sainteny có mặt tại Washington. Ngay cả Phó Tổng thống Spiro Agnew cũng được dặn dò không được tiết lộ thân phận thực sự của Sainteny. Ngày hôm sau, diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Sainteny và Tổng thống Nixon, Kissinger đóng vai thông dịch viên.

Được xem như một phát ngôn viên không chính thức của Tổng thống Mỹ, Sainteny được dặn phải nói với Bộ trưởng Xuân Thuỷ và ông Mai Văn Bộ - Tổng đại diện VNDCCH - rằng Tổng thống Nixon thực sự muốn chấm dứt chiến tranh và đã chuẩn bị cho những cuộc hội đàm bí mật ở cấp cao, nhưng Tổng thống sẽ không chấp nhận việc VNDCCH cố kéo dài thương thuyết.

Tổng thống hy vọng sẽ đạt được kết quả tích cực tại Paris trước ngày 1/11, ngày kỷ niệm 1 năm ngừng ném bom miền Bắc…, nhưng nếu đến ngày đó vẫn chưa đạt được một giải pháp thỏa đáng, Nixon bóng gió nói đến việc sẽ phải dùng đến các biện pháp gây hậu quả nghiêm trọng...

Sainteny rời Nhà Trắng với 2 lá thư. Lá thứ nhất được xem như ủy nhiệm thư: "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào người mang lá thư này, ông Jean Sainteny. Tôi yêu cầu ông ta làm người liên lạc của riêng tôi với các nhà lãnh đạo của Chính phủ VNDCCH, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi văn thư hoặc lời nhắn của ông ta đều được tôi xem xét trước. Ông Sainteny hiểu rõ quan điểm của tôi và tôi biết ông ấy sẽ trình bày điều đó chính xác".

Lá thư thứ 2 là thư riêng của Tổng thống Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung của nó đã được tiết lộ trong hồi ký của Kissinger, Nixon… Trong thư trả lời Tổng thống Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chấp nhận một lời đe dọa nào như một điều kiện tiên quyết trong việc tìm kiếm giải pháp hoà bình.

Sau khi họp với ông Mai Văn Bộ và Bộ trưởng Xuân Thủy ở Paris, Sainteny gửi thư ngay cho Kissinger thông qua Alexander Haig. Nội dung lá thư được xem là bí mật đến mức Haig không dám mạo hiểm dùng cách đưa thư thông thường mà tự tay trao thư cho John Ehrlichman, sau đó chính Ehrlichman đưa cho Kissinger.

Sainteny viết bằng mật mã để báo tin: "Thư đã được trao cho Xavier với sự hiện diện của Maurice... (tên giả để tránh bị lộ-ND). Những người nói chuyện với tôi nhắc đi nhắc lại rằng họ tỏ ra nghi ngờ khi tôi nói rằng các ông muốn chấm dứt chiến tranh bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên. Họ thiếu niềm tin vào thiện chí của các ông là trở ngại. Dường như họ tin rằng Mỹ không bao giờ rút hết quân khỏi lãnh thổ Việt Nam".

Ngày 4/8/1969, cuộc gặp đầu tiên giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thủy diễn ra tại căn hộ của Sainteny ở Paris. Phái đoàn Mỹ gồm Kissinger, phụ tá Tony Lake, tuỳ viên quân sự Đại  sứ quán Mỹ tại Paris - tướng Vernon Walters đến trước và được Sainteny mời uống rượu trong khi chờ đợi. Sau này Kissinger tiết lộ: "Trong khi chờ đợi, tôi tự hỏi mình sẽ nói chuyện với đối phương như thế nào? Có nên bắt tay họ không và phải cư xử thế nào? Tôi chưa có ý niệm nào trong đầu".

Không lâu sau phái đoàn Việt Nam tới. Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu, đi cùng có ông Mai Văn Bộ và thông dịch viên Nguyễn Đình Phương. Sau khi giới thiệu, Sainteny mời họ ra phòng khách rồi để họ nói chuyện riêng với nhau. Cuộc gặp gỡ kéo dài hơn 3 giờ vì phải phiên dịch 2 lần: Kissinger nói tiếng Anh để Walters dịch sang tiếng Pháp, rồi thông dịch viên của ông Xuân Thủy dịch sang tiếng Việt.

Kissinger hỏi ngay rằng, lá thư Tổng thống Nixon gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trả lời chưa. Ông Xuân Thủy nói: “Chúng tôi đã nhận được lá thư không đề ngày tháng từ tay Sainteny của Tổng thống Nixon gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lá thư này đã được chuyển về Hà Nội".

Trong cuộc gặp không chính thức đầu tiên này, hai bên vẫn giữ nguyên lập trường nên không có kết quả bao nhiêu. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã mở cửa cho những cuộc điều đình bí mật giữa Ngoại trưởng Kissinger và cố vấn Lê Đức Thọ, song hành với các cuộc họp chính thức. 

Kỳ sau: Hội đàm bí mật như hoạt động tình báo

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.