Chào Tùng Dương, một ngày bình thường của ông bố mới đơn thân như anh sẽ thế nào nhỉ?
(Cười), đó là lúc thức dậy vào buổi sáng; cho con gái (bé út 11 tuổi) ăn; hôm nào có thể đưa con đi học thì đưa còn nếu mệt tôi sẽ gọi xe ôm công nghệ. Sau đó tôi đi tập thể dục; về nhà làm việc với máy tính, viết lách đến buổi trưa thì tự nấu cơm ăn nhưng cũng có lúc đang dở mạch viết thì tôi đặt đồ ăn ngoài cho tiện vì con gái học bán trú nên cũng ăn trưa ở trường rồi.
Đến chiều tôi lại ngồi viết lách và làm việc trên máy tính; tất cả công việc sẽ dừng lại lúc 16h30 vì tôi đến giờ đi đón con gái tan trường và bản thân cũng mặc định rằng mình không làm việc buổi tối để cho đầu óc thư giãn; Rồi hai bố con đi tập thể dục và tôi thường có thói quen cứ buổi chiều là đi bộ gần chục vòng xung quanh khu chung cư nhà mình.
Sau đó lên nhà, tôi nấu cơm tối trong khi con đi tắm. Tôi thường phân công nhiệm vụ rửa bát sau bữa tối cho con gái để con bé tự lập và có trách nhiệm hơn nhưng cũng có lúc bố con tôi “bỏ quên” bát đĩa đến trước bữa hôm sau mới rửa (lại cười). Sau đó tôi hướng dẫn con đọc sách, xem con học hoặc nghe con tập đàn, đánh guitar rồi 2 bố con xem ti vi và đi ngủ. Mỗi ngày đều tuần hoàn như thế!
Đấy là ngày thường, vậy cuối tuần thì sao?
Thì khác ngày thường hơn 1 chút vì thứ 7 bà ngoại bên Gia Lâm (Hà Nội) sẽ đưa con gái lớn về khu chung cư tôi đang ở để học vẽ nên ba bố con có thời gian quây quần bên nhau. Chủ nhật tôi đưa hai con đi Hội Thánh nghe giảng đạo ở Mễ Trì. Đến thứ 2 bà ngoại lại sang đón con về bên ấy.
Với cá nhân tôi, từ ngày có đức tin với Chúa tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn nên bệnh trầm cảm và suy nhược thần kinh của mình cũng có dấu hiệu tiến triển lên, kết hợp với việc uống thuốc và tập thể dục đều đặn.
Là ông bố đơn thân của một cô công chúa đang tuổi lớn, anh cảm thấy điều gì là khó khăn nhất?
Tôi thậm chí còn chẳng thấy khó khăn gì cả mà ngược lại tôi coi đó là động lực để mình sống lạc quan hơn. Bởi hàng ngày, niềm vui của tôi là được đón con đi học về, háo hức nghe con kể đủ thứ chuyện ở trường, ở lớp, nghe con tập đàn, cùng xem phim với con rồi hai bố con lên kế hoạch sắp xếp công việc gia đình.
Con gái chính là động lực không phải khó khăn, con là người giúp tôi giải tỏa những mệt mỏi của cuộc sống để có thêm năng lượng. Còn “cơm – áo - gạo - tiền” thì ai cũng thế thôi, luôn phải cố gắng để chu toàn chứ.
Anh nói mình bị trầm cảm và suy nhược thần kinh, khoảng thời gian ấy anh đối diện với vấn đề đó như thế nào?
Tôi chống chọi với nó một mình. Gia đình và mọi người chỉ biết khi tôi đã nằm viện.
Trầm cảm mà ở một mình thì không phải quá nguy hiểm sao?
Đúng rồi! nhưng vợ cũ tôi không quen chăm bệnh nhân, nên mỗi khi tôi vào viện thì đều phải thuê người.
Anh từng chia sẻ rằng vì trầm cảm nên từng có ý định tự tử, nhưng qua tiếp xúc tôi không nghĩ đó là sự thật phải không?
(Cười), Thực ra cái chuyện tôi nói định tử tự nó kiểu như một câu cảm thán rằng cuộc sống sao mệt mỏi quá, toàn gặp chuyện đen đủi và “tai bay vạ gió” nên “thôi chết quách đi cho rồi” chứ tôi chưa bao giờ định làm thế thật.
Điều này tôi từng chia sẻ với một số bạn phóng viên nhưng chắc mọi người hiểu nhầm ý tôi nên viết sai tinh thần như vậy. Bản thân tôi khi đọc một số thông tin nói mình muốn kết liễu cuộc đời còn hoảng hốt vì suy cho cùng đó chỉ là ý nghĩ lướt qua bởi thực sự mà nói tôi từng chứng kiến nhiều người có số phận “khốn nạn” và bi đát gấp 8 tỉ lần mình mà họ vẫn kiên cường sống đấy thôi.
Cũng đã lâu khán giả không còn thấy Tùng Dương xuất hiện trên phim, có phải do chưa có vai diễn nào hấp dẫn được anh hay vì những mệt mỏi của cuộc sống đã làm anh vơi cạn đam mê với nghệ thuật?
Không phải đâu, thứ nhất là những năm gần đây tôi thích công việc viết kịch bản hơn là đóng phim và giờ tôi định hướng rõ ràng với mảng hậu trường này rồi.
Nếu được mời vào vai một nhân vật làm cho tôi thích thì tôi vẫn nhận lời như thường (cười) nhưng tôi vẫn chỉ thấy những dạng vai nhang nhác các nhân vật mà mình từng đóng nên giờ tôi vẫn viết kịch bản như các bạn thấy.
Có phải vì không tìm được vai diễn mà mình thật sự thích thú nên anh chuyển sang làm biên kịch để có thể tự tạo ra nhân vật sở trường của mình?
Một nửa là như thế! Nghĩa là khi làm biên kịch tôi có thể sáng tạo ra những nhân vật theo ý mình trong khi đóng phim thì tôi phải diễn theo khuôn khổ của người biên kịch phim đó yêu cầu. Nôm na là khi viết kịch bản, tôi sẽ được thỏa sức phóng tác các nhân vật và câu chuyện theo cách của chính mình.
Mới đây, trong một bài phỏng vấn anh có tự nhận mình được nhiều người biết đến qua các vai phản diện, nhưng đối với anh đấy không phải thành công vì anh chưa bao giờ lên đến đỉnh vinh quang trong nghề, điều này nhiều người lại không cho là vậy, anh thấy sao?
Mọi người thường đồ rằng lên đến đỉnh vinh quang trong nghề diễn là phải đạt được một giải thưởng gì cao quý nhưng với tôi nó chỉ là hình thức. Bởi theo cá nhân tôi, thành công thực sự là lúc mình có 1 vai diễn mà khi ngồi xem lại, bản thân sẽ cảm thấy rất ưng ý.
Thế nhưng hầu như những nhân vật mà tôi đã từng đóng trong các bộ phim khi xem lại tự tôi đều thấy có nhiều cái thiếu sót và nhủ thầm tại sao khi đóng phim tôi không nghĩ ra, hoặc là trong khi nhập cảnh tôi lại không làm tròn vai như thế này, như thế kia được.
Có thể khán giả thì họ bảo ừ đóng như thế này được rồi, đạt rồi, thành công rồi. Thế nhưng bản thân tôi khi ngồi xem lại thì đúng là chưa có nhân vật nào có thể khiến tôi cảm thấy mình đã làm tròn vai thực sự.
Diễn xuất không tự hài lòng, thế còn mảng biên kịch đang theo đuổi thì anh tự nhận xét thế nào?
Mảng miếng hậu trường này tôi lại khá thoả mãn và cảm thấy mình được trở về bản ngã. Ở đó tôi được tự do là mình, viết những kịch bản theo ý muốn, kể những câu chuyện theo cách riêng mà không phụ thuộc vào ai.
Anh có thể bật mí một chút về những “đứa con tinh thần” khiến anh cảm thấy thỏa mãn chứ?
Tiết lộ một chút là tôi có “Những đóa quân tử lan” đã chiếu ti vi còn “Kẻ tàng hình” dài 44 tập sắp lên sóng.
Trong đó, “Kẻ tàng hình" là phim hình sự, nói về các thế lực ngầm trong xã hội, những băng đảng xã hội đen đội lốt doanh nghiệp, tập đoàn nổi tiếng lớn, suốt ngày đi làm từ thiện nhưng ẩn sâu bên trong là những hoạt động ngầm, có khi là làm ăn phi pháp, buôn ma túy, tranh giành thế lực, cạnh tranh nhau về thị trường. Rồi là thanh trừng nhau.
Tôi dám khẳng định “Kẻ tàng hình” là một trong những phim hiếm về truyền hình lấy những nhân vật phản diện làm trung tâm, tức là xoáy sâu đi phân tích về đời sống tâm lý cũng như đời sống 2 mặt của các thế lực mà người ta gọi là “giang hồ cổ cồn” và khắc họa rất sâu sắc về đời sống xã hội đen cũng như các thế lực ngầm.
Hỏi đùa anh chút là thu nhập của biên kịch có khá hơn khi làm diễn viên không?
(Cười), thực ra bây giờ tôi chỉ chịu trách nhiệm nuôi 1 bé nên áp lực kinh tế cũng không quá nặng nề. Nếu như mà trời thương, sức khỏe cho phép, không bị ốm đau, không bị ngắt quãng bởi những cái trời ơi đất hỡi thì 1 năm tôi thong dong viết 1 bộ kịch bản dài tập thì cũng đủ trang trải cuộc sống được.
Ngoài ra tôi còn đi dạy diễn xuất nên cũng có thêm đồng ra đồng vào, với cuộc sống và nhu cầu cơ bản của hai bố con hiện tại thì thế là thoải mái rồi. Làm nghệ thuật, trừ khi là ca sĩ gặp thời chứ bình thường có ai giàu có đâu (cười).
Cảm ơn diễn viên Tùng Dương với những chia sẻ đầy chân thành này!
Diễn viên Tùng Dương sinh năm 1969 ở Hà Nội, anh từng là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình với các vai phản diện trong một số bộ phim như Ban trong “Lãnh địa đen” (series Cảnh sát hình sự), “Chuyện phố phường”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Khi đàn chim trở về”, “ Ngõ lỗ thủng, Nhà có nhiều cửa sổ”, “Hoa cỏ may”,..Đặc biệt Tùng Dương còn là một đạo diễn đầy tài năng cũng như là biên kịch của một số bộ phim truyền hình gồm “Sức mạnh huyền bí”, “Mùa bàng rụng trái”, “Kẻ tàng hình”,...
Năm 25 tuổi Tùng Dương kết hôn nhưng lại ly hôn sau thời gian ngắn chung sống. Người vợ thứ hai của anh chính là diễn viên Hoa Thúy. Năm 2007 anh kết hôn lần thứ ba...