Diễn viên Linh Nga vượt qua “giông bão” nhờ... đạo Phật

Linh Nga thăm lại ngôi chùa Hoàng Ân, nơi từng “dạy” cô chữ Nhẫn. Ảnh: Dương Đỗ
Linh Nga thăm lại ngôi chùa Hoàng Ân, nơi từng “dạy” cô chữ Nhẫn. Ảnh: Dương Đỗ
Ngay từ khi còn trẻ, mỗi khi gặp bế tắc trong cuộc sống, nơi Linh Nga tìm đến để giải tỏa và giải thoát luôn là nơi thanh tịnh ở chùa chiền. Cô bảo, chỉ có ở đó cô mới trút bỏ được những ưu phiền, những bất công mà cô gặp phải trong công việc, sau khi “Thuyết buôn vua” bị bắt.

Phong cách “nam nhân” ẩn sau hình ảnh “mỹ nhân”

Đến bây giờ vẫn không ít người ngạc nhiên tự hỏi Linh Nga rằng, ý chí nào đã khiến cô một mình đặt chân đến nước Mỹ khi vẫn còn khá trẻ, lại không có người thân và một chút hiểu biết gì về nơi đó. Nhìn bề ngoài của Linh Nga, người ta rất dễ bị câu “trông mặt mà bắt hình dong” đánh lừa. “Thiên nga balle” một thời ở ngoài đời không chỉ gây ấn tượng ở vẻ đẹp sang quý khác lạ mà còn mang lại sự nồng ấm bởi lối ăn nói nhỏ nhẹ, nữ tính và phong cách giản dị. Nhiều năm liên tục, Linh Nga “trung thành” với một kiểu tóc, đôi lông mày thanh mảnh cong cong hình lưỡi liềm, trong khi công nghệ làm đẹp đã vô số lần thay đổi trào lưu. Có trò chuyện với Linh Nga mới thấy, danh hiệu “giai nhân” dường như chỉ “ứng” với hình ảnh bên ngoài, còn bên trong cô có nhiều tính cách quyết liệt của một “nam nhân”. Nếu không có tính cách này, sau những biến cố động trời ở cái tuổi 20 “chưa sạch nước cản” - với nhiều người - có lẽ, Linh Nga đã không thể có được ngày hôm nay.

Linh Nga kể, cô rất yêu mái tóc của mình và một thời cũng từng có người mê mẩn “một góc con người” đen dài quyến rũ ấy. Vậy mà chỉ sau một phút giận hờn, 5h sáng cô đã ra hàng cắt tóc, gọi dậy bằng được thợ cắt tóc quen này để cạo bằng sạch. Với tính cách ấy, khi Linh Nga nói sẽ sang Mỹ, gia đình cô có chăng chỉ thở dài chứ biết rõ mười mươi là nếu không đồng tình cũng chẳng còn cách nào để giữ được chân “con ngựa bất kham” này. “24 tuổi, một mình sang Mỹ với rất nhiều “cái không” trong tay đúng là rất mạo hiểm. Tôi biết vậy nhưng cuộc đời có gì đáng sợ hơn “cái chết” khi còn đang sống? Nếu không ra đi, tôi biết rõ rằng mình sẽ “chết”. Tôi bán chiếc xe của mình làm lộ phí và sống tạm bợ bằng số tiền đó trong thời gian đầu cho đến khi có được công việc chính thức”, Linh Nga nhớ lại.

Tính cách trời sinh hay cuộc đời con người là những cái duyên trời định, đôi khi Linh Nga không lý giải được. Chỉ biết rằng, trong những lúc nguy khó nhất, cô luôn có bàn tay của người tốt chìa ra. Đơn giản chỉ là lời khuyên thôi cũng mở ra cho cô những bước ngoặt sáng láng. Một trong số đó là triết lý của đạo Phật mà Linh Nga ngày càng ngưỡng mộ và học hỏi. Cô kể: “Sau khi Thuyết bị bắt, cuộc sống của tôi bị đảo lộn trên tất cả mọi phương diện. Cũng có lúc chỉ muốn tìm đến cái chết để quên đi, để không phải chứng kiến sự đổi thay của lòng người. Nhưng may thay, cuộc sống luôn biết chìa cánh tay cứu rỗi ra đúng lúc để giải thoát, để “tái sinh”. Mỗi khi đau khổ, tôi thường chạy đến ngôi chùa cổ Hoàng Ân (Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) để tìm sự tĩnh tâm. Sư trụ trì chùa là một vị chân tu đã hơn 80 tuổi như đọc được hết nỗi niềm mà tôi đã trải qua. Thầy khuyên tôi nhiều về chữ Nhẫn, “hãy dùng chữ Nhẫn để vượt qua bể khổ”. Đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi viết nên kịch bản phim “Xuôi ngược đường trần” dài 3 tập, có bóng dáng về cuộc sống của chính tôi và của vị chân sư chùa Hoàng Ân. Phim sản xuất năm 2001, do cô vừa là diễn viên chính vừa biên kịch, đạo diễn và chạy xin tài trợ để phim được hoàn thành trọn vẹn. Năm 2002, phim được đánh giá là xuất sắc và giảnh giải A phim truyền hình toàn quốc”.

Thành công nhờ học chữ Nhẫn

Nhờ học được chữ Nhẫn mà Linh Nga luôn giữ tâm thế bình thản trước biến cố, niềm vui hay nỗi buồn mà cô gặp phải trong cuộc đời. Nhưng Linh Nga tìm đến đạo Phật không chỉ có vậy, cô tìm đến đức tin này còn là để... thoát duyên trần. Cô tâm sự: “Ở bên Mỹ, công việc và đảm đương vai trò làm mẹ đơn thân khiến tôi hầu như không có chút thời gian nào cho riêng mình. Không hẹn hò, không yêu đương ai khiến tôi làm được nhiều việc cho bản thân. Ngoài làm biên tập viên cho đài truyền hình, tôi còn làm các dự án phim cho công ty của mình, rồi đi học, đưa đón con cái... Mỗi tháng, tôi ăn chay theo định kỳ và đọc kinh Phật, vì tôi có ban thờ Phật ở nhà. Công việc bận rộn là một phần, phần nữa là nhờ theo đạo Phật mà tôi không còn thấy hứng thú nhiều với tình cảm riêng tư. Tôi quan niệm, dù sống có đôi hay không có đôi, điều quan trọng nhất là bản thân được thấy thoải mái nhất. Thú thật là tôi rất hài lòng với cuộc sống không có “bờ vai” nào như hiện tại”.

Hỏi Linh Nga, quan niệm đó có phải do sợ cuộc sống gia đình, sợ đổ vỡ? Cô bảo: “Ở tuổi này thì tôi không còn thấy sợ điều gì nữa. Những cái kinh khủng nhất đều đã trải qua hết rồi thì có gì làm mình gục ngã nữa? Cũng không phải vì những người đến với mình không tốt đâu. Họ cũng rất giỏi giang và chân thành nhưng bản thân tôi có lẽ đã mất đi sự rung động rồi. Thôi thì mọi việc cứ để tùy duyên thôi”.

Sau những ngày về quê thưởng thức cái Tết truyền thống đầu tiên sau hơn 10 năm xa cách, Linh Nga cũng thành công trong việc thuyết phục mẹ sang Mỹ sống cùng con gái và cháu ngoại. Mẹ cô vốn là một ca sĩ dòng nhạc thính phòng (bố cô cũng là một nhạc sĩ, ca sĩ) nhưng cũng vô cùng đảm đang tháo vát để nuôi hai anh em Linh Nga được ăn học và sống trọn vẹn với niềm đam mê nghệ thuật. Ngoài vai trò là diễn viên múa, diễn viên phim truyền hình, đạo diễn, Linh Nga còn thừa hưởng “gene” ca hát từ bố mẹ và từng có thời gian hoạt động trong nhóm nhạc nổi tiếng Năm dòng kẻ. Nếu không vướng “cú phốt” của số phận, với tài năng trên nhiều lĩnh vực như vậy, có lẽ giờ đây Linh Nga đã có một vị thế khác. Nhưng nhìn ở khía cạnh ngược lại, nhờ định mệnh ấy mà Linh Nga giờ đây trưởng thành hơn, có thêm nhiều tấm bằng trong tay về phim ảnh chuyên sâu. Cô bảo, chắc chắn sẽ quay trở lại Việt Nam để thực hiện niềm đam mê với điện ảnh, để có cơ hội vận dụng và truyền tải những kiến thức đã học cho khán giả quê nhà.

Theo Theo GiadinhNet
MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.