Sân khấu “Tinh hoa Bắc bộ - The Quintessence of Tonkin”:

'Diễn' tự nhiên vì có thật ở trong đời

Anh Nguyễn Công Hồng, một diễn viên quần chúng trong vở diễn thực cảnh 'Tinh hoa Bắc Bọ'.
Anh Nguyễn Công Hồng, một diễn viên quần chúng trong vở diễn thực cảnh 'Tinh hoa Bắc Bọ'.
Người ngoài nhìn vào tưởng anh Nguyễn Công Hồng – một người đàn ông sinh năm 1961 (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai Hà Nội) tham gia vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” như một “nghề tay trái”, nhưng không, đó lại là “nghề tay phải”.

Từ cánh đồng về sân khấu

Cứ 5 rưỡi sáng, anh Hồng thức dậy tất bật “chạy” chợ giúp vợ. Vợ anh cứ con gà, con vịt ôm ra chợ bán là thêm được dăm ba đồng. Hằng năm, phụ thuộc nước sông mạn Sơn Tây, những người nông dân xã Sài Sơn như anh Hồng cứ “ăn xong Rằm tháng Giêng cấy lúa là đẹp, chờ tháng Năm gặt”. Giờ “hiện đại” về đến tận thôn làng, máy cấy lúa, máy gặt đi một đường 5 phút là xong, nên người nông dân đâm ra thong thả hơn chính họ 30 năm về trước.

Anh Hồng kể: “Nếu không có Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội về xã Sài Sơn với ấp ủ một vở diễn thực cảnh, khéo tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ được trở thành diễn viên thật, 58 tuổi đầu rồi được đứng trên một sân khấu hoành tráng...”. Hồi đi bộ đội, anh Hồng cũng năng nổ, thi thoảng tham gia các phong trào văn nghệ: hát và kịch nói nên thấy Công ty tuyển diễn viên, anh “ghi danh” ngay.

'Diễn' tự nhiên vì có thật ở trong đời ảnh 1 Anh Hồng trong hậu trường vở diễn thực cảnh 'Tinh hoa Bắc Bộ'.

Được trở thành diễn viên vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ”, anh Hồng vẫn băm bèo nấu cám nuôi lợn, nuôi cả chó, gà, vịt... nữa, vì “nhà quê làm ruộng không có phân thì bón lúa thế nào được”. Nhưng trở thành diễn viên cũng cho anh Hồng một chốn đi về, phạm vi di chuyển trong cuộc sống khoáng đạt hơn. “Mỗi lần tôi sang khu du lịch đi làm, cảm thấy nó thoải mái lắm. Vui! Chứ không như ở nhà loanh quanh việc chả có, sang đó tôi có người lớn, trẻ con, có các cụ cùng chuyện trò, diễn xuất...” – anh Nguyễn Công Hồng nói.

Sau buổi sáng làm giúp vợ, 8h kém 15 anh Hồng sẽ nhanh nhanh sang khu du lịch, dưới sân khấu - hồ nước rộng hơn 4000m2, anh Hồng nghĩ đến đêm diễn hôm qua khách về xem “Tinh hoa Bắc bộ” vỗ tay cười vui lắm, rồi anh bắt tay vào dọn dẹp sạch lá cây, cọ rửa những đường đi ngầm dưới nước bằng bê tông, tránh lên rêu trơn trượt. Khoảng vài tiếng công việc xong xuôi, anh Hồng hài lòng trở về nhà cơm nước, trong lòng không khỏi mong buổi tối đến diễn sẽ gặp đông khán giả tới xem.

Diễn “ngọt” như không diễn

Trong vở “Tinh hoa Bắc bộ”, anh Hồng hầu hết đảm nhiệm vai diễn viên quần chúng. Anh ra sân khấu theo tập thể, lui cánh gà cũng theo tập thể. Vở diễn không yêu cầu “đánh đố” người nông dân quá nhiều về kỹ thuật. Cũng như anh Hồng, nhiều người nông dân tham gia vở diễn đều thân mật gọi đạo diễn “Hoàng Nhật Nam” là “thầy Nam”.

Để vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” ra đời được đúng hẹn với khán giả, có những hôm rét, mưa suốt, “thầy Nam” không ngại tới sân khấu, thì những “học sinh” chân quê cũng chẳng ngại đến theo “thầy Nam” tiếp tục học, phấn khởi vui vẻ cùng tập luyện. Đối với người nông dân Sài Sơn, vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ” không chỉ đem đến cho họ có thêm thu nhập mà còn cho họ những giá trị về mặt tinh thần.

'Diễn' tự nhiên vì có thật ở trong đời ảnh 2
 
'Diễn' tự nhiên vì có thật ở trong đời ảnh 3

Anh Hồng trong cuộc sống thường ngày.

Anh Hồng chia sẻ: “Thú thật, diễn “Tinh hoa Bắc bộ” như “nghề tay phải” của tôi, không hẳn vì tôi có cày 5 sào ruộng, thu hoạch 4 bãi ngô cũng chẳng bằng thù lao nghề diễn. Đúng là nhà quê tháng tầm tầm 3 triệu sống tự tin, trang trải đỡ vất vả, nhưng với nhà quê, vở diễn cũng là cơ hội để chúng tôi có bạn bè, thầy cô, tinh thần được mở mang rộng hơn và những “ước mơ” được thắp”.

Ít ai biết, anh Hồng chính là lão ngư phủ xuất hiện đầu tiên trong “Tinh hoa Bắc bộ”, mở ra không gian văn hóa vùng đồng bằng rất đỗi bình dị: không gian tối, tiếng nước, tiếng côn trùng rả rích, tiếng sáo vi vút... giữa làng xóm, tre trúc, lão ngư phủ đội nón câu cá trên chiếc thuyền con con trôi ra giữa dòng.

Hút thuốc lá đã 50 năm, vào vai lão ngư phủ hút thuốc lào, anh Hồng chẳng thấy việc này lấy gì mà khó. Tuy nhiên, thời gian anh Hồng diễn cảnh này trôi qua tương đối nhanh, phải tận dụng ánh đèn chiếu dù chỉ một lát, một tay anh Hồng cầm cần câu, một tay cầm điếu, vê thuốc, châm lửa, nhả khói “điệu nghệ” mông lung. Có hôm trời mưa, thuyền ẩm, điếu cày ẩm, anh Hồng châ m lửa mãi mới được...

Nói về quân số, anh Hồng tiết lộ, đàn ông tham gia vở diễn ít hơn, nên “có giá”. “Có giá” ở đây là vai gì cũng được học, được diễn, ngoài cảnh lão ngư phủ đơn độc, anh Hồng còn tham gia các cảnh quần chúng khác như dắt trâu, lính tráng... Còn nói về bí quyết làm sao tròn vai, diễn “ngọt” như không, anh Hồng chỉ cười, bảo: “Hỏi ai họ chắc cũng sẽ nói như tôi, diễn tự nhiên vì những cảnh ấy, việc ấy có thật ở trong đời”.

“Yêu nghề thì việc gì cũng xong”

Anh Hồng 58 tuổi đã có cháu nội. Từ ngày “ông nội” đi làm thêm, “cháu nội” đi học mầm non. Ông thì có đồng ra đồng vào, cháu thì ngoan ngoãn nề nếp. Nhà cửa thuận hòa.

Nếu ai hỏi anh Hồng làm diễn viên có vất vả không, anh Hồng cười xuề xòa, “khỏe như nhà nông”, người nông dân làm được nhiều việc, chỉ sợ không có việc mà làm. Có khi, cũng câu hỏi trên, anh Hồng sẽ làm một phép tính. Nếu từ Sài Sơn vào thành phố mấy chục cây kiếm được “chân” bảo vệ, một tháng lương 4 triệu rưỡi mà phải chi tiêu đủ thứ tiền ăn tiền xăng... Làm diễn viên thời gian ít hơn, lương ít hơn nhưng gần gận, vừa làm vừa tiện bao nhiêu việc nhà, nhìn quê hương mình đẹp lên, đổi khác... Rõ ràng, “diễn” là may mắn, diễn không khó nhọc với người nông dân.

'Diễn' tự nhiên vì có thật ở trong đời ảnh 4 Anh Hồng trên sân khấu vở diễn thực cảnh 'Tinh hoa Bắc Bộ'. 

Để tái hiện cảnh dân chài, cảnh đồng áng, cảnh giã gạo, cảnh lễ hội tươi vui...hơn 200 diễn viên trong đó phần lớn là người dân xã Sài Sơn đã mạnh dạn bước lên sân khấu, kể câu chuyện chất phác về cuộc đời, trải nghiệm của chính họ, là gia đình, là quê hương bản quán, là tín ngưỡng, là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “công cha, nghĩa mẹ”...

Đều đặn trước giờ diễn, những diễn viên “từ vườn tược, cánh đồng” sẽ quây lại bán hàng tại “chợ quê” trước cổng khu du lịch, họ bán bánh nếp, bánh tẻ, bánh giò, bánh gai... bánh xôi gói lá chuối, kẹo dồi, kẹo lạc với nụ cười thường trực. Khi khách khứa đến, vào giờ diễn họ mau mau phía trong cổng, hồi hộp lên sân khấu. Rồi chính họ, sau khi thực hiện xong vai mình, nhận những tràng vỗ tay, tiếng reo hò của khán giả như khích lệ, họ lại bước gần khán giả cảm ơn, bắt tay, cùng khách du lịch chụp ảnh lưu niệm.

Những người nông dân vùng quê với tâm lòng “trọng tình, trọng nghĩa” nghiêm túc thực hiện vở diễn và nồng hậu với khán giả ấy, những con người luôn thông cảm, sát cánh với chủ đầu tư và “thầy Nam” vượt qua những ngày “trứng nước” để làm nên một vở diễn thành công ấy, ước mơ của họ là gì, nếu không phải từ tâm hồn, đôi tay mình làm đẹp giàu quê hương?

Với ấp ủ quảng bá những nét văn hóa tinh túy của miền Bắc, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, “Tinh hoa Bắc bộ” là vở diễn thực cảnh kết hợp các yếu tố dân gian truyền thống nhưng vẫn đáp ứng được các yếu tố giải trí, trình diễn theo một phong cách hiện đại và sáng tạo như: dàn diễn viên là người dân bản địa, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, dàn âm thanh ánh sáng tiên tiến nhất hiện nay, mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về văn hóa Việt Nam.

Từ ngày 3/6/2018 - 31/12/2018, giá của khách Việt Nam xem show Tinh Hoa Bắc Bộ khi mua online trên trang: http://www.thequintessenceoftonkin.com/booking sẽ được giảm  40% trên giá bán cho khách nước ngoài. Chỉ cần điền code giảm giá TONKINSHOWVIE và mang chứng minh thư nhân dân để đổi thẻ từ tại quầy vé.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.