Điện toán đám mây Việt Nam đang ở đâu?

Ông Basanta Kumar Dash, Giám Đốc Cấp Cao của Oracle ASEAN
Ông Basanta Kumar Dash, Giám Đốc Cấp Cao của Oracle ASEAN
TPO - Cho tới nay thì điện toán đám mây (cloud) không còn là thuật ngữ xa lạ với người Việt Nam. Những Dropbox, Google Drive hay các đám mây tương tự xuất hiện ở khắp nơi. Tuy vậy, ứng dụng đám mây trong việc làm kinh tế tại Việt Nam vẫn còn là chuyện của tương lai.

Trong buổi trò chuyện gần đây với ông Basanta Kumar Dash, Giám Đốc Cấp Cao của Oracle ASEAN - thuộc hãng phần mềm Oracle, một trong những nhà cung cấp đám mây ứng dụng đầu tiên trên thế giới, ông đã chia sẻ nhiều điều thú vị về điện toán đám mây tại Việt Nam.

Bên cạnh những đám mây dạng như Google Drive, Dropbox và nhiều cái tên khác, vốn không phục vụ nhiều cho việc kinh doanh, mà phần lớn là mang lại sự tiện lợi cho người dùng cá nhân, điện toán đám mây thế giới đã đi rất xa và là công cụ đắc lực trong việc tăng lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sử dụng.

Điện toán đám mây "chuyên nghiệp" có 4 tầng đám mây, gồm cở sở hạ tầng, nền tảng, phần mềm và dữ liệu, liên quan chặt chẽ tới nhau. Oracle hiện là cái tên duy nhât cung cấp đủ 4 tầng đám mây, trong khi nhiều nhà cung cấp giải pháp đám mây khác chỉ cung cấp một vài tầng, còn lại sử dụng từ nhà cung cấp khác.

Theo ông Basanta Kumar Dash, "Chắc chắn khách hàng sẽ cần đến cả 4 loại sản phẩm này. Khi chúng ta nói về đám mây, chúng ta phải nhớ rằng đám mây không thể đứng độc lập, nó cần có ứng dựng, ứng dụng cần có nền tảng và nền tảng thì cần có cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy mà khi khách hàng cần chạy một ứng dụng, họ sẽ phải mua cả ba tầng đám mây bao gồm ứng dụng, nền tảng và cơ sở hạ tầng".

Với đầy đủ 4 tầng của đám mây, khách hàng không chỉ lưu trữ dữ liệu thông tin của mình trên các đám mây, mà còn có thể sử dụng phần mềm ứng dụng có sẵn trên đám mây để tiến hành phân tich, truy xuất dữ liệu bất cứ lúc nào, so với việc phải sử dụng một vài máy tính riêng biết với phần mềm riêng biệt.

Với những doanh nghiệp, dữ liệu và phân tích dữ liệu đóng vai trò sống còn, việc có thể thực hiện sử dụng và phân tích dữ liệu ở bất cứ nơi đầu cho phép lãnh đạo doanh nghiệp có những quyết định nhanh và chính xác nhất. Điều này rõ ràng điện toán đám mây đã bỏ xa những công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu thông thường rất nhiều.

Điện toán đám mây dạng chuyên nghiệp này phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển, nơi các tập đoàn và các công ty lớn đóng đô, và nó trở thành công cụ trợ lý đắc lực nhất cho sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy đầy ưu điểm, nhưng theo ông Basanta Kumar Dash, điện toán đám mây ở Việt Nam qua vài năm phát triển vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng, tức là chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng sâu điện toán đám mây vào công việc kinh doanh của mình. Điều này tạo bất lợi với doanh nghiệp khi tương lai gần phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn rất thành thạo trong việc xử lý dữ liệu ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo con số ước tính mà lãnh đạo Oracle ASEAN đưa ra, nếu như tại Singapore, cứ 10 công ty thì có 9 sử dụng điện toán đám mây, thì tại Việt Nam, con số này chỉ là 2/10. Oracle chia khu vực ASEAN ra làm 3 nhóm, trong đó Singapore và Malaysia nằm ở nhóm đầu, khi điện toán đám mây đã ứng dụng từ lâu, phần lớn các doanh nghiệp đã sử dụng và gần chạm mức bão hòa. Trong khi đó, Việt Nam nằm ở nhóm 2 với Indonesia, Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Phillippines, là những nước đã có sự xuất hiện của điện toán đám mây, dù chưa cao. Nhóm thứ 3 bao gồm Myanmar, Cambodia, Lào – nơi mà đám mây thậm chí còn chưa xuất hiện. 

Như vậy, Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng của điện toán đám mây, khi mà còn rất nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng. Theo phân tích của Oracle, có vẻ như đây là thời điểm thích hợp nhất để tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, khi mà nhiều khách hàng bắt đầu quan tâm tới điện toán đám mây nhiều hơn, và có mong muốn được sử dụng trong tương lai gần.

Tuy nhiên, cái khó là các khách hàng Việt Nam vốn rất sợ bị đánh cắp dữ liệu về lý do an toàn và bảo mật trên điện toán đám mây. Với tư duy người Việt, cái gì phải nắm giữ trong tay thì mới là an toàn, vì vậy nhiều doanh nghiệp sở hữu server riêng, bất chấp những bất tiện mà nó mang lại khi truy xuất và xử lý dữ liệu.

Một điểm nữa là nhiều nhà cung cấp đám mây đặt máy chủ tại nước ngoài, tạo rào cản với các doanh nghiệp Việt Nam về cả chính sách lẫn lo ngại về an ninh dữ liệu. Những khó khăn trên có thể cản bước tiến của các nhà cung cấp điện toán đám mây để nó có thể được ứng dụng ngày càng rộng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Theo ông Basanta Kumar Dash, điện toán đám mây có độ an toàn không khác so với các máy chủ riêng, đó là lý do nó được sử dụng trên khắp thế giới và bởi hầu hết các tập đoàn, công ty lớn. Oracle vẫn đang tiếp tục nỗ lực để người dùng thực sự hiểu về điện toán đám mây cũng như những lợi ích không ngờ mà nó mang lại.

Nói riêng về Oracle, hãng phần mềm được sinh ra tại Mỹ này hiện có 19 trung tâm dự liệu, phủ sóng hơn 200 nước. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trên thế giới cũng đang sử dụng một trong số những tầng đám mây mà Oracle cung cấp.

Từ những năm 1997-1998, đã có những doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư triển khai giải pháp Oracle như Vietnam Airlines hay Toyota Vietnam.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư triển khai Oracle E-Business Suite, như các công ty mía đường Bourbon và Lam Sơn, tập đoàn sản xuất và kinh doanh gạch men Prime Group, tập đoàn kinh doanh ô tô, xe máy, bất động sản Gami Group, công ty nhựa Tân Tiến hay cửa sổ nhựa Euro Window…

Đặc biệt, với sự kí kết hợp đồng Xây dựng hệ thống thông tin quản lí Kho bạc và ngân sách (TABMIS – dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ hơn 54 triệu USD) với IBM Business Consulting Services vào tháng 12/2005, Chính phủ Việt Nam đã chính thức lựa chọn triển khai giải pháp Oracle để hiện đại hóa hệ thống quản lí tài chính công của mình.

MỚI - NÓNG