Điện thoại 'mẹ bồng con' phá sóng 3G

Loại điện thoại “mẹ bồng con” chuẩn DECT 6.0 gây can hại sóng 3G, vừa bị cơ quan chức năng tịch thu.
Loại điện thoại “mẹ bồng con” chuẩn DECT 6.0 gây can hại sóng 3G, vừa bị cơ quan chức năng tịch thu.
Mới đây, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) phát hiện hàng loạt trường hợp người dân tại một số quận, huyện của Hà Nội sử dụng thiết bị kích sóng di động không đúng tần số, gây can nhiễu vào sóng di động.

Trong khi đó, tại TPHCM, điện thoại không dây kéo dài (mẹ bồng con) đang là nguyên nhân khiến suy giảm tốc độ kết nối, làm gián đoạn kết nối mạng 3G ở nhiều nơi. 

Sóng “chồng” sóng

Suốt hơn một tháng qua, hễ về đến nhà là điện thoại của anh N.T.V. (quận 1) bị rớt mạng 3G. Ban đầu kết nối chập chờn, lúc nhanh lúc chậm; càng về sau, tình trạng mất kết nối càng diễn ra thường xuyên mà không rõ nguyên nhân. Khi mang điện thoại đến cơ quan thì kết nối 3G trở lại bình thường. Dò hỏi một số hộ dân xung quanh, anh V. cũng nhận được thắc mắc tương tự.

Nhận được thông tin của người dân, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II phối hợp với các nhà mạng tiến hành kiểm tra và phát hiện nguyên nhân từ máy điện thoại “mẹ bồng con” vừa được một số hộ gia đình mua về lắp đặt.

Ông Nguyễn Cảnh Thế, Trưởng phòng Kiểm tra xử lý, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II cho biết: Loại điện thoại này gồm hai khối thiết bị kết nối với nhau bởi sóng vô tuyến điện. Do tần số của điện thoại trùng với băng tần mạng 3G của một số nhà mạng nên gây can nhiễu có hại. Hiện có 5 nhà khai thác đã được cấp phép triển khai mạng 3G, gồm: MobiFone, Viettel, liên danh EVN và HTC (Vietnamobile), Vinaphone. Mỗi nhà khai thác được ấn định 3 kênh tần số cho hướng xuống (trong dải 2110 ÷ 2170 MHz) và 3 kênh tần số cho hướng lên (trong dải 1920 ÷ 1980 MHz). Do đó, những điện thoại “mẹ bồng con” nào sử dụng công nghệ DECT 6.0 có băng tần hoạt động 1920 ÷ 1930 MHz đều có khă năng gây ảnh hưởng đến chất lượng sóng dải tần hướng lên của mạng 3G tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Thế khẳng định, vấn nạn điện thoại “mẹ bồng con” phá sóng 3G không mới. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, vấn nạn này diễn ra nặng nề hơn tại TPHCM từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015. Theo ghi nhận, có gần 400 trạm phát sóng, tại hầu hết các quận, huyện bị can nhiễu. Hiện trung tâm chỉ mới xử lý hơn 700 thiết bị gây ảnh hưởng trực tiếp đến sóng 3G. Bên cạnh đó, trong thành phố còn hàng ngàn điện thoại chuẩn DECT 6.0 được phát hiện có phát xạ tín hiệu nhưng chưa thể xử lý triệt để do chưa gây nhiễu.

Điện thoại 'mẹ bồng con' phá sóng 3G ảnh 1 Nhiều điện thoại “mẹ bồng con” chuẩn DECT 6.0 được bày bán công khai tại TPHCM. 

Buôn bán tràn lan

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điện thoại “mẹ bồng con” đang được bày bán tại nhiều cửa hàng viễn thông trên địa bàn thành phố. Hầu hết các thiết bị được mang về từ nước ngoài theo đường xách tay với chủng loại rất phong phú. Điện thoại mang nhãn hiệu của Panasonic chiếm số lượng lớn nhất. Bên cạnh đó là AT&T, Vtech, Philips hay Uniden… Trong đó, có không ít thiết bị sử dụng chuẩn DECT 6.0, có thể kể ra như Panasonic KX-TGA641, 1031, 931T, 4111C; Thompson (28214 KE2-A, TC28811FE2A), AT&T DECT 6.0, V-Tech LS6125-2 DECT 6.0, Uniden DECT 1362, Uniden DECT3080-3 Ultra Thin DECT 6.0... Những thiết bị này không phù hợp với các quy định của Việt Nam về quy hoạch băng tần số hoặc có thể gây can nhiễu cho hệ thống thông tin di động 3G, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh thông tin.

Chủ cửa hàng T.Q, vốn kinh doanh các thiết bị viễn thông xách tay lâu năm tại quận 5 cho biết, điểm chung của các thiết bị kể trên là dòng chữ DECT 6.0 hoặc số băng tần (thường là 1,9 Ghz) được in nổi trên bề mặt thiết bị. Hầu hết điện thoại được sản xuất tại Malaysia và chỉ dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ (Mỹ hoặc Canada). Dòng điện thoại này được đánh giá là bền, chất lượng sóng và pin tốt nên được khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các thiết bị được nhập về là hàng cũ nên giá thành khá rẻ, dao động từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/bộ. Còn loại mới hơn và đi kèm nhiều khối thiết bị có khi lên đến 4 - 5 triệu đồng/bộ.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II, thừa nhận, dù đã nhiều lần phối hợp với Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để kiếm soát nguồn nhập khẩu điện thoại “mẹ bồng con” chuẩn DECT 6.0, nhưng chưa hiệu quả. “Thiết bị nhỏ gọn và số lượng một lần mang không nhiều nên khó phát hiện và dễ cho qua. Trong khi đó, việc kiểm soát hoạt động buôn bán thiết bị viễn thông cũ vẫn chưa được các đơn vị chức năng quan tâm đúng mức. Điều này vô tình tiếp tay cho việc can hại sóng 3G thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Thư nhìn nhận.

Theo Theo Sài gòn giải phóng
MỚI - NÓNG