Khấm khá hơn nhờ điện
Gia đình ông Dương Minh Khoa ở ấp 9 (xã Thanh Hòa) có 4 ha đất, trồng các loại cây quýt, hồ tiêu, điều, cà phê và cao su. Ông Khoa cho biết, ở vùng này khí hậu rất nóng và khô, nước khan hiếm. Trước đây, khi chưa có điện, người dân phải đào giếng và dùng máy bơm dầu, nhưng nước không đủ tưới, trong khi chi phí chạy dầu lại cao nên người dân chỉ trồng những loại cây ít nhu cầu nước như điều và cao su… Năm 2013, ngay khi có điện, gia đình ông khoan giếng và bơm tưới bằng mô-tơ, nhờ vậy nguồn nước dồi dào, chi phí lại thấp. “Nhờ chủ động được nguồn nước, tôi chuyển sang trồng một số loại cây như tiêu, quýt… Những loại này tuy mất nhiều công chăm tưới, nhưng bù lại giá trị kinh tế rất cao” - ông Khoa nói.
Đến nay gia đình ông Khoa đã phát triển được 6 sào tiêu và 600 cây quýt (tương đương 5 sào đất). Mấy năm qua, mặc dù thời tiết khô hạn, vườn cây của gia đình ông đều xanh tốt và bội thu. Riêng vườn tiêu và quýt đang mơn mởn và đã cho ra những chùm quả đầu tiên. Chỉ vườn quýt đang vào mùa cho quả, ông Khoa nói trong nụ cười: “Ngày nào cũng tưới, nhờ đủ nước và phân bón nên cây phát triển rất nhanh. Quýt lại rất được giá nên cho nguồn thu tương đối cao so với các loại cây khác như điều, cao su…”.
Chủ tịch Vũ Việt Duy cho biết, xã Thanh Hòa có trên 2.400 hộ dân, chủ yếu di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, trong đó có khoảng 10% hộ đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Mường, Tày, Nùng…Từ khi có điện, thông qua vô tuyến truyền hình, phát thanh bà con nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất và nhu cầu thị trường nên chuyển dần sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, vài ba năm trở lại đây, cây hồ tiêu được phát triển mạnh ở vùng này. Gia đình ông Duy cũng chuyển hướng trồng tiêu và hiện trong vườn nhà ông đã có 800 nọc tiêu (tương đương 3 sào đất) xanh tốt, trĩu hạt. Mấy năm qua, nhờ hồ tiêu, nhiều hộ dân “kéo” được khoản thâm hụt do cao su mất giá.
Theo ông Duy, không chỉ người Kinh, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã biết nắm bắt, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Nhiều thửa đất lâu nay bị bỏ hoang hoặc trồng cây tạp, giá trị kinh tế thấp, giờ đã được bà con thay bằng những vườn cây giá trị kinh tế cao.
Phủ điện vùng biên
Huyện Bù Đốp có 7 xã, thị trấn nằm dọc biên giới Campuchia. Giám đốc Điện lực Bù Đốp, ông Mai Quy Tiên, cho biết toàn huyện hiện có 93,12% trong tổng số 14.125 hộ dân có điện. Trong đó, Thanh Hòa là xã có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thấp nhất, với 82,97%. Theo ông Tiên, đây là vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc kéo điện cho người dân cũng gặp không ít trở ngại, nhất là những cụm dân cư cách xa trung tâm, dân cư thưa thớt. “Suất đầu tư kéo điện bình quân cho mỗi gia đình ở địa bàn này quá cao, có nơi lên đến 20 triệu đồng/hộ, đó là vấn đề khó khăn lớn nhất chúng tôi đang gặp phải”- ông Tiên nói.
Tuy nhiên, ông Tiên cũng nói rằng, dù còn nhiều khó khăn, hàng năm ngành điện cũng dành một khoản kinh phí đáng kể để đầu tư phát triển lưới, cấp điện cho người dân để xóa dần vùng trắng điện. Từ năm 2013 đến nay, nhờ có đầu tư nên hàng trăm hộ dân các ấp ở vùng trũng Thanh Hòa cũng như các xã khác lần lượt có điện. Riêng năm 2015, ngành điện đầu tư trên 1,1 tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo lưới điện. Trong kế hoạch, năm 2016 và các năm tiếp theo, ngành điện tiếp tục đầu tư kéo điện cho các hộ dân chưa có điện ở dọc biên giới và đảm bảo đến năm 2020 đạt tỷ lệ 95% số hộ dân trong huyện có điện.
Ông Lê Tấn Quang –Phó GĐ Cty Điện lực Bình Phước: Tỉnh Bình Phước có 4 huyện nằm trong đề án cấp điện theo cơ chế Tây Nguyên. Theo đó, trong giai đoạn 2013-2020, Chính phủ và ngành điện sẽ đầu tư trên 676 tỷ đồng cấp điện cho 13.592 hộ dân thuộc Đề án tổng thể “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện” theo quy chế này. Ngoài ra, ngành điện đang tham gia triển khai đề án xây dựng nông thôn mới tại 20 xã trên toàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015. Hiện tại, ngành điện đang triển khai cấp điện cho 6 xã nông thôn mới tại các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.