Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương qua thanh tra sẽ chỉ ra rõ nguyên do thiếu điện. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Thoả xung quanh vấn đề đang gây bức xúc dư luận.
"Nơi thừa, nơi thiếu là điều rất đau"
- Dư luận đang rất bức xúc trước tình hình thiếu điện và đòi hỏi quy trách nhiệm. Vậy theo ông, để thiếu điện thế này, ai phải chịu trách nhiệm?
TS. Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi muốn đi đến tận cùng câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho việc thiếu điện.
Đầu tiên là phải nói đến quy hoạch điện. Việc lập quy hoạch tính toán xây dựng và phê duyệt quy hoạch có vấn đề bất cập, thể hiện ở chỗ dự báo, tính toán không sát nhu cầu và đòi hỏi, tiềm năng phát triển để sản xuất hài hòa các nguồn điện khác nhau.
TS. Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Chủ tịch Hội Thẩm định giá. |
Nhiều ý kiến đánh giá quy hoạch ấy đã không cân đối một cách chính xác phát triển nguồn và lưới truyền tải, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với lưới điện truyền tải. Ai cũng biết khả năng phát triển điện gió, mặt trời ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lưới truyền tải không đủ điều kiện truyền tải lượng điện này đến các nơi khác.
Như vậy, việc tính toán giữa sản xuất và tiêu dùng tại chỗ không được đề cập đúng mức, cho nên phát triển NLTT càng đè nặng lên truyền tải, dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa điện. Nguồn điện có nơi thừa, nơi thiếu là điều rất đau đớn.
Thời gian xây dựng và đưa vào khai thác dự án điện mặt trời chỉ 6-8 tháng, trong khi truyền tải phải mất 2-3 năm mới làm xong đường dây 220kV, 5 năm với đường dây 500kV thì không thể đầu tư kịp.
Việc thực hiện quy hoạch cũng có sự chuệch choạc. NLTT phát triển rất nóng, phân bổ không đều và thiếu sự kiểm soát, cho nên dẫn đến vỡ quy hoạch. Việc đầu tư NLTT gấp 20 lần quy hoạch rõ ràng là thiếu kiểm soát. Như vậy trách nhiệm của ai?
Trong Luật Điện lực quy định Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương, nhưng sự phối hợp này là không ổn. Có lúc địa phương tẩy chay nhiệt điện than và muốn đưa nguồn điện khác vào, Bộ và địa phương không đồng thuận được khiến mục tiêu đầu tư nguồn điện mới không đạt được. Các dự án nhiệt điện của nhiều DN không đảm bảo, trong đó có EVN, TKV, PVN và các dự án của tư nhân.
Như vậy, trách nhiệm thiếu điện này không phải của riêng ai.
Tại sao độc quyền mà lỗ?
- Vậy trách nhiệm EVN trong thiếu điện là gì, thưa ông?
Chúng ta cũng phải đánh giá EVN rất cố gắng, nỗ lực đảm bảo cung ứng điện. Nước ở các hồ thủy điện về mực nước chết, trời không mưa thì EVN không thể cung ứng đủ điện. Tiến độ các nhà máy trong quy hoạch không vận hành được, làm sao đủ điện được. Đó là những vấn đề ngoài tầm tay của EVN.
Mực nước hồ chứa của thủy điện Sơn La chỉ cao hơn mực nước chết hơn 1m. |
Công suất đặt của EVN và các đơn vị phát điện thuộc EVN chỉ còn 29.901MW, chiếm tỷ trọng 38,4% công suất toàn hệ thống, còn lại mua từ các nhà máy khác nên có khó khăn trong việc cung ứng điện. Nhất là khi giá nhiên liệu đầu vào như than tăng cao như thế, trong khi giá bán không điều chỉnh kịp thời nên EVN thua lỗ.
Nếu EVN cố tình không chạy hết công suất, vì lỗ nên sản xuất cầm chừng, để thiếu điện, không tích cực xử lý sự cố thì mới bảo là trách nhiệm EVN. Còn đổ hết cho EVN hoàn toàn không phải.
Tôi nghe nhiều ý kiến nói rằng tại sao EVN lỗ mà các công ty phát điện lại lãi. Đó là vì EVN phải mua điện của các nhà máy theo giá thị trường, tất nhiên có giá trần, nhưng giá bán lẻ lại được Nhà nước cố định.
Còn việc các đơn vị thành viên EVN có tiền gửi ngân hàng, điều này hoàn toàn bình thường. Các công ty phải có dòng tiền trả nợ, thanh toán tiền mua hàng. Tôi cũng có tiền gửi ngân hàng để thanh toán các chi phí trong cuộc sống. Trong hạch toán tài chính quy định như vậy, đâu phải là tiền lãi EVN mang gửi ngân hàng.
Những phát ngôn như vậy là không chuẩn, không hiểu rõ vấn đề.
Giá mua nhiều nguồn điện đều cao hơn giá bán lẻ hiện hành 1.920,3732 đồng/kWh
- Vậy EVN lỗ nặng như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến đầu tư của tập đoàn này, để đảm bảo cung ứng điện thời gian tới?
Ai làm ngành điện bị lỗ? Chúng ta phải giải quyết câu hỏi này. Nhiều người nói EVN độc quyền mà còn lỗ. Tôi đã giải thích rồi nhưng nhiều người cố tình không hiểu. Ngành nào cũng thế, mua cao bán thấp là lỗ. EVN phải mua đầu vào để sản xuất, đầu vào theo thị trường, dầu, than, khí,... Đầu ra thì ổn định, không được tăng. Đương nhiên khi đó chi phí sản xuất cao hơn giá bán ra. Như vậy lỗ là tất yếu.
Không ai cộng lỗ đó vào giá mà EVN phải tự xử lý dòng tiền đó. Tôi làm giá tôi chỉ quan tâm chi phí là bao nhiêu, mức giá nào là đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lãi, như thế mới đảm bảo dòng tiền để sản xuất bình thường.
Quyết định 24 của Thủ tướng đã quy định rõ được phép 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần nếu chi phí đầu vào thay đổi, biến động. Nếu điều chỉnh tăng 3% sẽ do EVN tự quyết định, còn 10% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Nhưng tại sao EVN không điều chỉnh? Được quyền điều chỉnh giá 3% thuộc thẩm quyền mà EVN không dám làm thì đó là trách nhiệm của ông. Đây là quyền của EVN sao ông không điều chỉnh. Tại sao EVN không làm hay EVN không được phép làm thì phải giải trình rõ.
Riêng các yếu tố khách quan đó là DN được phép điều chỉnh rồi. Tôi là chuyên gia, tôi không được nhìn văn bản không cho tăng giá nên tôi cứ cho rằng họ không tăng giá. Thực ra, tôi hiểu họ không dám làm vì họ sợ nhiều thứ và họ xin rồi chứ không phải không xin đâu.
Phải đủ điện đã mới mong có giá cạnh tranh
- Vậy ông có kỳ vọng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dự kiến vận hành vào 2025 sẽ tháo gỡ hết các vướng mắc này?
Đương nhiên. Giờ nhìn hiện tượng, EVN đang độc quyền bán điện. Theo hình thái thị trường độc quyền bán sẽ có cả độc quyền về giá. Logic lý thuyết là thế. Nhưng họ không biết đây là độc quyền nhà nước, không phải độc quyền DN. Nhà nước quyết định giá. Cho nên, nói EVN độc quyền nên thao túng về giá là không chính xác vì nếu họ thao túng về giá họ đã tăng giá từ lâu rồi.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tức là trên thị trường có nhiều người bán. Nhà cung cấp nào có điện ổn định, phục vụ tốt, khuyến mại tốt thì tôi mua. Trong thị trường ấy tôi được chọn DN có giá tốt. Lúc đó không cần giá điện sinh hoạt bậc thang như hiện nay nữa. Đương nhiên lúc đó có cạnh tranh, trong cả mua và bán, thị trường sẽ tốt hơn.
Như vậy, phải hoàn thiện thị trường bán buôn, tạo tiền đề cho thị trường bán lẻ. Cốt lõi là có nhiều nhà cung cấp để người dân tự lựa chọn. Đến năm 2025, hoàn thành được thì tuyệt vời, còn trước mắt nên thí điểm cho phép khách hàng lớn đấu nối lưới cấp điện áp 110kV trở lên trực tiếp mua điện trên thị trường điện.
- Nhưng không đủ nguồn thì khó có thị trường bán lẻ điện, thưa ông?
Đương nhiên một trong những điều kiện tiên quyết là phải đủ nguồn, thị trường cạnh tranh thì hàng hóa phải dồi dào. Nếu không thì DN lớn lại thâu tóm, trở thành liên minh độc quyền.
Luật Điện lực cũng phải sửa, làm rõ cơ chế hình thành thị trường điện. Còn giờ Luật chỉ nói chung chung thì không được. Cơ chế quản lý cũng phải rà soát theo hướng phục vụ thị trường điện cạnh tranh, từ phát điện đến bán lẻ.
- Việc đầu tư nguồn điện chậm tiến độ, các doanh nghiệp thường nói do thủ tục, vậy lý do này ông thấy có thuyết phục?
Nguyên nhân đúng như họ nói là thủ tục đầu tư dự án, chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng hay các thủ tục hành chính khác. Do đó, quá trình triển khai các dự án không đảm bảo tiến độ.
Thủ tục đầu tư dự án đó là của các địa phương. Tất nhiên, cũng còn do một số cơ chế chính sách ở Trung ương, nhưng có những thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương không được tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.
Cho nên, khi Thủ tướng ký Quy hoạch điện VIII, báo chí hỏi, tôi trả lời hai điều cơ bản. Một là địa phương phải rà soát ngay thủ tục hành chính để xử lý gọn nhẹ. Hai là chuẩn bị tất cả điều kiện về nhân lực, đất đai, giải phóng mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn thì mới triển khai được các dự án nguồn điện. Nếu không 2-3 năm nữa chưa chắc đã triển khai được dự án nào.
Như vậy thiếu điện vì lý do gì? Một là do quy hoạch, hai là do thực hiện quy hoạch. Căn cứ theo quy trình xây dựng, thực hiện quy hoạch sẽ rõ ai phải chịu trách nhiệm.
- Quy hoạch điện VIII đã ban hành, nhưng không thể đầu tư nguồn ngày một ngày hai. Như vậy, có khả năng thiếu điện vài năm nữa, thưa ông?
Quy hoạch điện VIII trước mắt đến giờ phút này là tốt. Nhiều mục tiêu đặt ra đã giải quyết trong quy hoạch VIII, đặc biệt phát triển hài hòa các nguồn điện, không để xảy ra thiếu điện, thực hiện net zero.
Điều quan trọng là việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch như thế nào, cơ chế cần phải xử lý để thực hiện. Đây là điều những quy hoạch điện trước đều vấp phải.
Lấp đầy khoảng trống thiếu điện là chưa thể làm ngay được. Cho nên, không thể kỳ vọng có quy hoạch là đủ điện ngay. Ngay cả điện nền, 2-3 năm nữa các dự án chậm tiến độ và dự án trong Quy hoạch VIII có hoàn thành được không? Đường truyền tải làm được ngay không? Thủ tục cho điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” như thế nào?
Đó là những vấn đề cần giải quyết sớm, nếu không vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu điện.
- Xin cảm ơn ông!
https://vietnamnet.vn/dien-noi-thua-noi-thieu-la-dieu-rat-dau-truy-den-cung-trach-nhiem-2153798.html