Trả lời CNN về những hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đang tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Peskov nói: “Tổng tư lệnh (Tổng thống Putin) thực sự coi đây là việc hoàn toàn cần thiết để tăng cường quân sự.”
“Bắc Cực là một khu vực rất quan trọng của Liên bang Nga, đối với cả vấn đề biên giới và vấn đề kinh tế. Tiềm năng kinh tế đang tăng lên qua từng năm. Chúng tôi có những kế hoạch chung cho sự phát triển ở Bắc Cực.”
Trước đó, hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar cung cấp đã cho thấy sự hiện diện dày đặc của các căn cứ quân sự và khí tài Nga trên bờ biển Bắc Cực thuộc nước này. Ngoài ra, còn có các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất được cho là có khả năng chứa vũ khí công nghệ cao mới và ngư lôi Poseidon 2M39.
Ngư lôi tàng hình không người lái 2M39 được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân. Vũ khí này được thiết kế để tấn công các hệ thống phòng thủ - giống như của Mỹ - dưới đáy biển.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby hôm thứ Hai bày tỏ sự quan ngại về việc Nga tăng cường hệ thống quân sự ở Bắc Cực: “Không ai muốn chứng kiến Bắc Cực bị quân sự hóa.”
“Khu vực này là địa hình then chốt, đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ nước Mỹ. Chúng tôi cam kết bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia Mỹ ở Bắc Cực bằng cách duy trì trật tự trong khu vực, thông qua mạng lưới các đồng minh và đối tác Bắc Cực của chúng tôi”, ông Kirby nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đáp trả những lo ngại này, ông Peskov nói “đừng quên rằng bản thân Mỹ cũng chưa từng từ bỏ sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực, chưa từng lơ là Bắc Cực”.
Trên thực tế, không chỉ Nga mà cả Mỹ và NATO cũng đều có những động thái gia tăng quân sự liên quan đến khu vực cực Bắc.
Máy bay ném bom B-1 Lancer của Mỹ đóng tại căn cứ không quân ở Na Uy mới đây đã hoàn thành nhiệm vụ ở phía đông biển Barents. Cùng lúc đó, tàu gầm tàng hình Seawolf của quân đội Mỹ đã được các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận hồi tháng Tám là có mặt trong khu vực gần Bắc Cực.