Giành vé tham dự Olympic 2016 ở Brazil:

Điền kinh cần vượt qua những bất đồng

Hai anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan đều chưa thể giành chuẩn dự tranh Olympic sau kỳ tranh tài tại giải điền kinh trong nhà châu Á mới diễn ra tại Doha, Qatar. Ảnh: VSI
Hai anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan đều chưa thể giành chuẩn dự tranh Olympic sau kỳ tranh tài tại giải điền kinh trong nhà châu Á mới diễn ra tại Doha, Qatar. Ảnh: VSI
TP - Qua kết quả giải Vô địch châu Á trong nhà 2016 vừa diễn ra ở Doha (Qatar), hướng tới giành vé tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016 ở Brazil, trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Đức Thủy, Trưởng Bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) cho rằng cần sớm có một hội nghị chuyên môn vì sự phát triển của điền kinh.

"Về chuyên môn chúng ta chỉ đạt được 85% so với mục tiêu ở giải điền kinh Vô địch châu Á trong nhà”, ông Dương Đức Thủy thừa nhận.

Việt Nam đã không giành thêm được vé dự Olympic nào qua giải đấu vừa rồi. Ý kiến của ông ra sao?

Ở giải này về thành tích chúng ta đứng trên các nước trong khu vực Đông Nam Á, gồm cả Thái Lan. Liên đoàn điền kinh châu Á đánh giá cao việc tham dự của Việt Nam. Tuy nhiên cũng không thể vì thế mà nói chúng ta hơn Thái Lan được. Họ có mục tiêu riêng. Về mục tiêu hướng tới giành vé dự Olympic Brazil, chúng ta chưa đạt được, đây là vấn đề phải thẳng thắn thừa nhận. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Về khách quan, việc thi đấu trong nhà khác với ngoài trời. Chúng ta tập luyện ngoài trời nhưng lại thi trong nhà nên có những khó khăn nhất định. Về chủ quan thì VĐV chưa đạt điểm rơi về phong độ, hành trình di chuyển dài (hơn 10 tiếng), khác biệt về múi giờ cũng tác động tới thể lực VĐV. Đây là những vấn đề mà Bộ môn không thể quán xuyến hết.

Thưa ông, vừa qua có ý kiến từ Liên đoàn Điền kinh cho rằng chúng ta không nên tham dự giải đấu này vì có thể làm xé lẻ kế hoạch huấn luyện chung, ảnh hưởng đến quá trình tập luyện?

“Tôi cho rằng điền kinh đang cần một hội nghị về chuyên môn để tất cả có thể tranh luận, trao đổi. Ở đây tôi khẳng định không phải là vấn đề ai thắng, ai thua mà đích hướng tới là phải vì sự phát triển của điền kinh”.       

Ông Dương Đức Thủy

Đấy cũng là một ý kiến. Tuy nhiên, ở đây tôi cần đặt ra một số vấn đề. Một là với mục tiêu đoạt vé Olympic, chúng ta cần tranh thủ mọi cơ hội. Nếu nói như trên, tôi có thể hỏi liệu tới đây chúng ta có nên để VĐV (Nguyễn Thị Thanh Phúc) tham dự giải đi bộ ở giải Vô địch thế giới tại Nhật Bản hay không? Tôi lưu ý thời tiết Nhật Bản thời điểm đó rất lạnh, có thể xuống 0 độ. Hai là, chương trình mục tiêu của điền kinh thực tế không phải hướng tới Olympic, mà đích ngắm là ASIAD 2019 nhưng hiện chúng ta đã điều chỉnh cho các mục tiêu năm 2018. Nếu nói việc tham dự giải đấu vừa qua xé lẻ chu trình huấn luyện thì dựa trên cơ sở nào? Tuy nhiên, tôi hơi tiếc vì trước chuyến đi, chúng tôi không nhận được góp ý nào về chuyên môn từ phía Liên đoàn.

Cơ hội đoạt vé dự Olympic 2016 của chúng ta còn đặt vào giải đấu nào, thưa ông?

Cơ hội lớn nhất của Việt Nam sẽ đặt vào giải Grand Prix châu Á diễn ra cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới. Tuy nhiên, việc dự tranh có thể còn phụ thuộc vào vấn đề tài chính.

Quan điểm của ông ra sao khi có  ý kiến cho rằng cần xem xét lại hiệu quả chuyến tập huấn tại Mỹ của 2 VĐV Quách Công Lịch và Quách Thị Lan?

Lan và Lịch được phối hợp đầu tư cho sang Mỹ tập huấn với đích ngắm không phải Olympic. Quá trình tập huấn chưa kết thúc nên chúng ta chưa thể đánh giá được. Mục tiêu đặt ra đối với 2 VĐV này như thế nào, chúng tôi đã có bàn bạc kỹ với đơn vị chủ quản
(Thanh Hóa).

Đối với giải đấu vừa qua, có ý kiến cho rằng Bộ môn và Liên đoàn Điền kinh không đạt được sự đồng thuận với nhau, thưa ông?

Cái này đúng! Tôi cho rằng ở đây có sự đáng tiếc khi các bên chưa có sự phối hợp đồng bộ, trao đổi với nhau. Tôi cho rằng điền kinh đang cần một hội nghị về chuyên môn để tất cả có thể tranh luận, trao đổi. Ở đây tôi khẳng định không phải là vấn đề ai thắng, ai thua mà đích hướng tới là phải vì sự phát triển của điền kinh. Thời gian qua báo chí nói quá nhiều về bất đồng giữa Bộ môn với Liên đoàn, tôi cho rằng chuyện này không có lợi cho ai cả, cần phải thay đổi.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.