Điện khoán 10

Điện khoán 10
TP - Tăng giá điện sắp tới và còn nhiều lần nữa trong tương lai rất dễ là cớ để xúc tiến mua bằng được điện từ thuỷ điện Lào và Campuchia. Xin lưu ý vào thì dễ ra mới gian nan trong khi không phải không còn giải pháp thay thế.

Mua điện từ nhà máy thuỷ điện của hai nước láng giềng xem như “lấy đá ghè chân mình”. Ngay cả khi kiếm đủ điện “made in sông Mekong”, Nam bộ của Việt Nam (VN) vẫn khó trụ nổi một khi cạn kiệt hai nguồn sống còn là nước và phù sa chủ yếu đến từ dòng Mekong chỉ vì các đập thuỷ điện giăng giăng như mắc cửi nơi thượng nguồn.

Từng có không ít dọa dẫm “Nếu không mua của họ, sẽ đáp ứng nhu cầu điện tăng 10-12%/năm kiểu gì? Chả nhẽ làm thật nhiều nhà máy nhiệt điện với hàng đống chất thải khí và rắn?”. Trước khi nghĩ đến kịch bản tệ nhất ấy, cần tỉnh táo xúc tiến một kịch bản thực ra cũng không mới song vẫn dễ chịu và khả thi hơn nhiều.

Từ cái nhìn bất vụ lợi của một tổ chức phi chính phủ, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) vẽ một biểu đồ mang tên “Kịch bản cơ sở (BAU) phát điện ở VN” mà hầu chắc chuyên gia năng lượng VN nào cũng có. Biểu đồ của cái BAU ấy chỉ ra một bức tranh đại loại, từ 2025 trở đi, sản lượng nguồn tái tạo mà cụ thể là phong điện ở VN có thể vượt thuỷ điện gấp rưỡi và càng về sau mức chênh này càng rộng. Từ 2030, thái dương năng hay điện mặt trời và điện sinh khối sẽ chiếm lĩnh thị trường, áp đảo thuỷ điện. Thậm chí hai nguồn tái tạo ấy còn lớn hơn cả điện hạt nhân nếu ta đưa hai nhà máy ở tỉnh Ninh Thuận vào hoạt động. Vẫn theo WWF, đến 2050, năng lượng tái tạo có thể chiếm ưu thế tuyệt đối một khi VN thực sự muốn. Lúc ấy, 81% tổng sản lượng điện sẽ là nguồn tái tạo nếu VN quyết từ bây giờ. Thậm chí, với kịch bản năng lượng bền vững tối ưu, có thể chạm mốc 100%.

Không quá nếu bảo giờ đang là cơ hội vàng để VN làm năng lượng tái tạo khi giá thành nguồn này đang giảm toàn cầu do đổi mới công nghệ nhanh hơn dự báo. Đấy là chưa kể nó tạo không ít việc làm. Tại nhà máy lắp ráp linh kiện turbin gió của GE Hải Phòng, nhõn một chuyên gia ngoại trong khi 700 lao động là bản địa.

Đương nhiên, các nguồn trời cho vô tận không dễ dàng chuyển thành điện khi VN vẫn vắng các chính sách cụ thể và minh bạch. Chẳng hạn chính sách giá điện không hợp thời khiến xuất hiện xu hướng giảm đầu tư năng lượng tái tạo ở VN. Đến nay, 10% trong 50 dự án phong điện đăng ký có triển khai xây dựng. Rồi chiến lược năng lượng tái tạo không rõ ràng, cái sau mâu thuẫn cái trước. Đấy là chưa kể VN vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá các tiềm năng đầy đủ và chính xác do thiếu số liệu.

Bất chấp các trở ngại trước mắt nêu trên, kích hoạt các nguồn tái tạo sẽ mở cơ hội thực hiện kiểu khoán 10 trong lĩnh vực năng lượng thay vì “nhất chết” lựa chọn phương án khuyến khích hàng xóm làm thuỷ điện để gây hại cho chính mình không chỉ trong một vài thế hệ.

MỚI - NÓNG