Diễn đàn hoà bình ở Trung Quốc trở thành trận khẩu chiến quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov. (Ảnh: SCMP)
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov. (Ảnh: SCMP)
TPO - Các nhà ngoại giao đại diện cho nhóm 5 cường quốc thế giới vừa có màn đấu khẩu về quản trị toàn cầu khi họ tham dự một diễn đàn về hoà bình ở Bắc Kinh cuối tuần qua.

Một phe của trận khẩu chiến là đại diện của Trung Quốc và Nga, còn bên kia là đại diện của Pháp, Anh và Mỹ. Trong màn tranh luận hiếm thấy trước hàng trăm nhà ngoại giao, học giả và sinh viên ở Bắc Kinh hôm 4/7, họ đưa ra những lời chỉ trích nhau gay gắt.

Cuộc tranh luận diễn ra trước phần đông khán giả Trung Quốc tại Diễn đàn Hoà bình thế giới do ĐH Thanh Hoa và Viện Đối ngoại nhân dân Trung Quốc tổ chức.

“Nếu ai đó đưa cho tôi chỉ một ví dụ chứng minh Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt ý thức hệ vào ai khác ngoài biên giới Trung Quốc, tôi sẽ rất biết ơn”, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov phát biểu.

Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Laurent Bili bác bỏ ngay. Ông nói rằng “không ai chất vấn ý tưởng Trung Quốc muốn áp đặt mô hình của mình” cho đến năm ngoái, khi có những quan ngại ở Pháp trước những đe doạ của Trung Quốc đối với quyền tự do biểu đạt.

Từ tháng 4 năm ngoái, chính phủ Pháp mấy lần triệu Đại sứ Trung Quốc Lu Shaye vì chuyện đăng tweet xúc phạm các nghị sĩ, nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao Pháp vì phát biểu của họ liên quan đến Đài Loan và virus corona.

“Từ 1 năm trước, chúng tôi chứng kiến những cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do biểu đạt ở nước chúng tôi, trong đó có những tấn công vào xã hội, vào một số nhà báo và điều đó làm dấy lên nhiều câu hỏi. Đó thực sự là một câu hỏi”, ông Bili nói.

Đại sứ Nga Denisov ngắt lời, nói rằng điều đó “không liên quan đến ý thức hệ”.

Ông Bili nhanh chóng đáp trả: “Tự do phát biểu – tự do và dân chủ - đều là vấn đề của ý thức hệ”.

“Được thôi, đó là tự do”, Đại sứ Nga Denisov nói lại gay gắt và nêu ra ví dụ về việc cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush rao giảng cho Nga về tự do và dân chủ. “Chúng ta biết nó hoạt động như thế nào ở Libya, Syria, Iraq, Afghanistan, và tôi không thấy lý do gì để tiếp tục cuộc thảo luận này”, ông Denisov nói.

Cuộc tranh luận gay gắt giữa hai đại sứ Nga và Pháp cho thấy căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn khi Washington đang nỗ lực kiềm chế một Bắc Kinh này càng quyết liệt và tìm vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu, trong khi được Nga và một số nước khác ủng hộ.

Trung Quốc và Nga gần đây thể hiện mong muốn xích lại gần nhau khi quan hệ của cả hai với phương Tây, nhất là Mỹ, xấu đi. Mátxcơva và Bắc Kinh cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương và duy trì các nguyên tắc của Liên Hợp quốc, trong khi kêu gọi thay đổi trật tự quốc tế vì cho rằng trật tự này do phương Tây thống trị.

Còn Washington kêu gọi các đồng minh chung tay bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh và Mátxcơva trong những vấn đề nhân quyền, tấn công mạng và cách làm thương mại không công bằng.

Trong diễn đàn nói trên, Đại biện Mỹ tại Trung Quốc William Klein nói rằng các nền dân chủ khắp thế giới đang đối mặt với “một Trung Quốc hung hăng và một nước Nga gây cản trở”

Ông Klein nói rằng tất cả các quốc gia “đối mặt với thách thức khi không tôn trọng trật tự, bao gồm cả vấn đề khủng hoảng khí hậu, virus corona và cách mạng công nghệ đang định hình lại mọi khía cạnh của cuộc sống”. Ông nói Mỹ sẽ không ép các đồng minh phải lựa chọn “giữa chúng tôi với Trung Quốc”.

Phát biểu của Đại sứ Nga là sự ủng hộ rõ ràng đối với phát biểu của ông Yu Hongjun, cựu phó trưởng ban quốc tế của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Yu nói rằng Trung Quốc không cố xuất khẩu mô hình quản trị của mình, “không như một số người khác”.

Ông Yu không nhắc tên Mỹ nhưng ám chỉ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 2 thập kỷ ở đó.

“Một số người có tư tưởng ưu việt về văn minh và cảm thấy nền văn minh của họ cao hơn của người khác. Họ nghĩ rằng nền văn minh của họ nên thay thế mọi nền văn minh khác và mở rộng hệ tư tưởng của họ ra nước khác, gây nên bất ổn, gián đoạn và xung đột”, ông Yu nói.

“Afghanistan là ví dụ điển hình nơi cải cách dân chủ thất bại, và giờ ai đó chỉ muốn rời đi. Một thảm hoạ lớn hơn đang chờ phía trước”, ông Yu ám chỉ.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Trung Quốc Caroline Wilson phát biểu thẳng thắn hơn. “Chúng tôi là một trong những nước đầu tiên công nhận Trung Quốc vào năm 1950, nhưng chúng tôi không tìm cách áp mô hình của chúng tôi lên Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản, cả khi đó và bây giờ. Vì thế, chúng tôi hy vọng Trung Quốc không cố áp mô hình của mình lên nước khác”, bà nói.

Đại sứ Wilson nói rằng đối thoại là điều quan trọng để tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, nghĩa là mỗi bên nói một kiểu chứ không phải trao đổi với nhau.

Hai đại sứ Denisov và Wilson đều đã có thời gian công tác lâu năm tại Trung Quốc. Nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đến nay đều chưa bổ nhiệm đại sứ đến thủ đô của nhau.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.