Điện Biên trong ký ức các cựu binh trăm tuổi

 Cựu binh Lường Văn Phúc (104 tuổi) hằng ngày vẫn vào rừng chặt tre, chẻ củi đỡ đần con cháu. Ảnh: Như Ý
Cựu binh Lường Văn Phúc (104 tuổi) hằng ngày vẫn vào rừng chặt tre, chẻ củi đỡ đần con cháu. Ảnh: Như Ý
TP - Dù đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, nhưng không ít cựu binh Điện Biên vẫn giữ nguyên ký ức hào hùng gắn liền với cuộc chiến thần kỳ của dân tộc. Cái tên Võ Nguyên Giáp cũng là dấu ấn đọng sâu trong tâm trí các cựu binh trăm tuổi.

Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp

Trong căn nhà sàn nhỏ nằm trên con dốc cao ngút của bản Nghịu (xã Pá Khoang, huyện Điện Biên), cụ Lường Văn Phúc (sinh năm 1910) bồi hồi xúc động mỗi khi nhắc đến các trận chiến tại Điện Biên Phủ cũng như hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về những năm tháng theo Việt Minh tham gia đánh Pháp vẫn in đậm trong tâm trí của người cựu dân quân du kích chiến đấu bảo vệ khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

“Đánh giặc Pháp rồi đánh giặc Mỹ. Nhiều trận chiến lắm. Nhưng chiến đấu với giặc Pháp là gian khổ nhất. Nhiều người đã hy sinh, nhưng tôi và các đồng đội vẫn kiên trì bám trụ trong rừng. Nhiều bữa chỉ triền miên cơm nắm và muối. Những hôm hết muối thì đốt cỏ tranh ăn. Những lúc đói quá thì đi đào măng rừng, củ mài ăn thay cơm. Dù gian khổ nhưng không vì thế mà chúng tôi buông súng”, cụ Phúc kể.

Trong câu chuyện về chiến đấu ở Điện Biên, hình ảnh giản dị, gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cụ già 104 tuổi liên tục nhắc tới. Mắt cụ Phúc luôn sáng rực lên mỗi khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù chỉ được phân công chiến đấu bảo vệ vòng ngoài nhưng cụ Phúc vẫn thường được nghe những câu chuyện về vị Đại tướng hiền hậu đang ngày đêm chỉ huy chiến dịch.

“Không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ. Không có tướng Giáp đánh giặc thì người Mường Phăng không có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay. Thật tiếc là khi Đại tướng về thăm lại Mường Phăng nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, tôi không có dịp được gặp Đại tướng”, cụ Phúc tiếc nuối.

Điện Biên trong ký ức các cựu binh trăm tuổi ảnh 1

Cụ bà Lò Thị Đôi (ngoài cùng bên phải) và em gái (giữa) cùng PV Tiền Phong xem lại những bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: P.Tuyên

Trong cái nóng ngột ngạt tới 40 độ C của xã miền núi Mường Phăng, chiến dịch Điện Biên không chỉ là một khúc tráng ca mà là cả một câu chuyện đầy tình cảm với kỷ niệm không thể xóa nhòa theo năm tháng đối với cụ Lò Thị Đôi (101 tuổi).

Dưới chân căn nhà sàn đối diện Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đôi và người em gái Lò Thị Ún say sưa kể về những ngày tháng chiến đấu và làm nhiệm vụ dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Do thông thuộc địa hình, lại là Tổ trưởng nữ dân quân địa phương, tôi và một chiến sĩ nữa vinh dự được là người dẫn đường cho Đại tướng khi ông về làm việc tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ".

Khi được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Đôi rất hồi hộp và run. Nhưng lần gặp Đại tướng, thấy ông gần gũi, thân thiện, cụ mới bớt sợ. Trong cuộc trò chuyện, sau khi động viên cụ Đôi cố gắng tham gia hoạt động cách mạng, Đại tướng còn giao cho cụ nhiệm vụ vận động quần chúng nhân dân ủng hộ quân lương.

Nhận chỉ thị từ Đại tướng, ngoài những lúc tham gia chiến đấu, cụ Đôi và các thành viên trong tổ nữ dân quân bất kể ngày đêm lặn lội vào từng nhà ở khắp các xó rừng, góc bản để vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội.

Việc vận động gặp rất nhiều khó khăn do người dân ở Mường Phăng cũng rất nghèo. Nhưng với chiến thuật “nói phải củ cải cũng nghe” và “mưa dầm thấm lâu”, người dân đều vui vẻ ủng hộ. Nhiều gia đình tình nguyện ăn củ mài để giữ gạo chuyển cho bộ đội ăn lấy sức chiến đấu, đánh giặc Tây.

Sau nhiều tháng lặn lội đi quyên góp, người dân Mường Phăng đã ủng hộ cho bộ đội được gần 9 tấn gạo. Có nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Khi cụ Đôi cầm bức ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004, khi Đại tướng về thăm Mường Phăng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những dòng nước mắt thương nhớ thỉnh thoảng lăn dài trên khuôn mặt gầy gò của cụ.

"Khi thăm lại Mường Phăng năm 2004, Đại tướng nói chuyện với tôi gần 30 phút, dặn phải ăn uống điều độ, ngủ tốt, giữ gìn sức khỏe. Tôi vẫn mong sống được đến dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, để đón Đại tướng như ngày nào. Nhưng giờ thì chẳng thể thực hiện mong ước giản dị ấy. Hôm Đại tướng mất, tôi yếu quá không về Hà Nội dự đám tang được. Con cháu phải dìu sang bên khu di tích để thắp hương cho Đại tướng”, cụ Đôi kể.

Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Ký ức Điện Biên với người cựu binh Quàng Văn Pản (89 tuổi, bản Cang 1, huyện Điện Biên) là những ngày tháng dài gian khổ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và những lời dặn phải sống xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ thi đua.

“Tôi nói với bà con về cuộc sống khó khăn của gia đình trước khi vào bộ đội. Mỗi bữa cơm tôi chỉ có 8 hạt lạc. Thức ăn không có nên 8 hạt lạc chia ra ăn cùng 16 miếng cơm. Vào bộ đội là để giải phóng đất nước, để cho cuộc sống người dân hết khổ cực”.

Cụ Quàng Văn Pản

“Sinh ra và lớn lên tại bản Păn Na, xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Khi Bác Hồ kêu gọi cả nước kháng chiến, tôi tham gia vào lực lượng du kích Mường Chanh ở Thuận Châu, sau đó gia nhập bộ đội Việt Minh và được phiên về Trung đoàn 148 bộ binh đóng quân tại tiểu khu 59.

Năm đó tôi 28 tuổi. Cuối năm 1953, đơn vị chúng tôi kéo quân lên Điện Biên. Sau khi tham gia các trận đánh ở Bản Kéo, Him Lam, Pu Văng, là người dân tộc Thái, lại nói thạo tiếng phổ thông, nên tôi được giao nhiệm vụ đi theo cấp trên để phiên dịch khi cần giao tiếp với đồng bào địa phương. Với nhiệm vụ này, tôi đã có một vài lần được gặp Đại tướng. Đại tướng giản dị và chan hòa với lính lắm”, cụ Pản nhớ lại.

Điện Biên trong ký ức các cựu binh trăm tuổi ảnh 2

Cụ Quàng Văn Pản

Theo cụ Pản, hồi đó, nhiều thanh niên trong vùng vẫn chưa đi theo cách mạng, cụ phải đến từng nhà, thuyết phục rằng, bộ đội ta đông, dũng cảm lắm, tuy nhiên, cần thêm sức người, sức của mới có thể chiến thắng được. Vào bộ đội, đánh đuổi giặc Pháp, cuộc sống sẽ tốt hơn. Cụ Pản cũng kể lại chính câu chuyện về cuộc sống khó khăn của gia đình mình.

“Tôi nói với bà con về cuộc sống khó khăn của gia đình trước khi vào bộ đội. Mỗi bữa cơm tôi chỉ có 8 hạt lạc. Thức ăn không có nên 8 hạt lạc chia ra ăn cùng 16 miếng cơm. Vào bộ đội là để giải phóng đất nước, để cho cuộc sống người dân hết khổ cực”, cụ Pản nói.

Năm 1967, được trao tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân, cụ Pản cùng nhiều chiến sỹ khác được mời về Hà Nội để báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại cuộc gặp, Đại tướng căn dặn họ phải phát huy tinh thần cách mạng, phải cố gắng giữ vai trò là chiến sĩ thi đua.

Cuộc gặp ngắn diễn ra trong không khí thân tình khiến không ít chiến sĩ xúc động và nhớ mãi đến ngày hôm nay. “Đại tướng với những người lính chúng tôi luôn gần gũi, khiêm tốn. Ông dặn chúng tôi phải làm sao xứng đáng với danh hiệu chiến sĩ quân đội nhân dân. Đại tướng cũng nói, làm cách mạng phải kiên quyết. Nếu không kiên quyết thì không làm cách mạng được”, ông Pản kể.

Trở về xây dựng cuộc sống nơi căn cứ cách mạng năm xưa, cụ Pản vẫn phát huy ý chí của anh bộ đội Cụ Hồ, tham gia xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp, rồi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bây giờ tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn làm tổ trưởng tổ hưu của xã Mường Phăng.

MỚI - NÓNG