So bó đũa chọn cột cờ
Trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2017 ở Nhà hát Lớn tối 15/4, Hội Điện ảnh mời một số nhà làm phim và nhà phê bình “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017”, sáng 9/4. Kết quả Cánh diều nằm trong tay Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nên tọa đàm này cũng là dịp để các BGK nhận định chất lượng phim mùa này. Theo nhận xét của NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, 117 tác phẩm dự thi có phần giảm sút so với năm trước.
NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng BGK phim điện ảnh nhận xét, dù 13 phim dự giải trong 39 phim chưa phản ánh đầy đủ chất lượng của điện ảnh, tuy nhiên cũng cho thấy phần nào diện mạo: “Chất lượng không đồng đều, giữa phim hay nhất và dở nhất cách nhau rất xa. Trong bốn tiêu chí “có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, đạt hiệu quả xã hội tích cực”, có phim bám sát tiêu chí, có phim chẳng thể hiện tiêu chí nào, hoặc được tiêu chí này thì hỏng tiêu chí khác”.
Phim Việt chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu, gia đình và học đường, cũng có phim đề cao yếu tố văn hoá dân tộc, cội nguồn và tình người. Dòng phim remake ngày càng thể hiện xu thế tất yếu như Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ, Bạn gái tôi là sếp có cách làm phim chuyên nghiệp, xử lý hình ảnh và xây dựng nhân vật chặt chẽ hơn, tuy nhiên ông Vũ Xuân Hưng chỉ ra nhược điểm của dòng phim remake: không có bản sắc Việt, không khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ. “Thiếu phim động đến vấn đề bức xúc đương đại, thiếu nhân vật mang tính biểu tượng, vắng phim mang tính triết lí xã hội sâu sắc”, ông nói. Chưa kể một loạt tồn tại như diễn xuất cường điệu, hoá trang không phù hợp, phục trang “giả” và làm khán giả mất niềm tin với bộ phim.
Thể loại phim tài liệu-khoa học, phim hoạt hình cũng cho thấy sự sụt giảm chất lượng. NSND Nguyễn Lương Đức, Trưởng BGK phim tài liệu khoa học nhận xét: “Chất lượng sụt giảm, đề tài không mới, các tác giả chưa khai thác sâu vấn đề, nhiều phim còn chàng màng”. NSND Phương Hoa, Trưởng BGK phim hoạt hình nhận xét 13 phim dự thi “không có gì đổi mới, đột phá từ đề tài tới cách thể hiện, chủ yếu vẫn khai thác đề tài lịch sử, đồng thoại và môi trường”. Phương Hoa phân tích đa số phim có cách làm “đơn giản, thô sơ và chưa hấp dẫn”, lấp lánh một vài bộ phim dung dị, xúc động.
Điểm sáng hiếm hoi bộc lộ ở hạng mục phim truyền hình, với một số phim chất lượng và hấp dẫn theo nhận xét của biên kịch Trịnh Thanh Nhã. NSND Nguyễn Thanh Vân đánh giá hạng mục phim ngắn tươi tắn, có sự chuyển biến đáng kể.
Xu thế remake
Hai năm nay, Hội Điện ảnh mở cửa cho phim remake (phim làm lại) hoặc phim mua kịch bản nước ngoài. NSND Đào Bá Sơn cho rằng ngày càng nhiều phim remake thì khán giả hưởng lợi. Nguyễn Thanh Vân đánh giá dường như phim làm lại chặt chẽ và thú vị hơn, tránh được lỗi sơ đẳng của kịch bản-câu chuyện dài dòng, phát triển lung tung, nhân vật tự nhiên. Tuy nhiên xét về nghề nghiệp, Đào Bá Sơn cho rằng cần cân nhắc, không nên xét chấm giải cho phim phiên bản bởi giống nhau tới từng góc quay, bối cảnh cho nên không thể hiện sự sáng tạo. Đào Bá Sơn đề xuất chỉ nên chấm cho phim dựa trên kịch bản gốc, có sáng tạo Việt hoá rõ ràng. Theo thể lệ của giải Cánh diều 2017, các phim remake chỉ được xét giải cá nhân, không được xét trao giải cho bộ phim.
Dễ nhận thấy sự phân luồng rõ rệt giữa các nhà làm phim khi nhận định về chất lượng phim. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và đạo diễn Đào Bá Sơn “bênh” khá nhiều phim tranh giải như Dạ cổ hoài lang, Đảo của dân ngụ cư, Mẹ chồng hay Cô Ba Sài Gòn, còn Nhuệ Giang khắt khe hơn khi cho rằng phần nhiều phim dự giải vẫn thảm họa. Đỗ Minh Tuấn đánh giá ranh giới giữa dòng phim nghệ thuật và phim thị trường gần như xóa nhòa, có lúc quện vào nhau.
NSND Nhuệ Giang - giám khảo phim điện ảnh kể hai ngày đầu xem gần như thảm họa, ngày cuối cùng may mắn hơn vì có vài bộ phim xem được. Nhuệ Giang phân tích, tỉ lệ phim hài chiếm đông đảo, nhiều phim có lối hài cường điệu, kệch cỡm rất khó chịu. Theo Nhuệ Giang phim hài chiếm ưu thế sẽ có hại về mặt giáo dục thẩm mỹ: “Phần lớn phim hài, remake thiếu chuyên nghiệp cả về diễn xuất lẫn cách kể chuyện, điều này tạo ra thế hệ lười biếng, tới rạp chỉ thích xem phim vui vẻ”.
Đồng quan điểm với Nhuệ Giang về việc “nhà nước đang buông bỏ mặt trận văn hoá từng thành công trong quá khứ”, NSND Lê Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhắc: “Không quốc gia nào trừ Mỹ mà nhà nước không bỏ tiền hỗ trợ điện ảnh”. Hai năm qua, điện ảnh Việt vắng bóng phim nhà nước khiến các nhà điện ảnh lo ngại không có phim về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bởi “tư nhân bỏ tiền làm phim khó trách họ chọn những phim dễ thu hồi vốn”.
“Tôi rất tiếc vì chúng ta thiếu phim về đề tài xã hội nóng bỏng, bức bối. Nhiều câu chuyện giáo dục, sự tha hoá con người, tham nhũng đủ gây xúc cảm cho xã hội. Tuy nhiên điện ảnh dường như tách khỏi đời sống”
NSND Nguyễn Thanh Vân