Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt

Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt
Làm phim ở VN hiện quá rủi ro bởi những quy định về kiểm duyệt chung chung và mơ hồ!

Không phải đến khi bộ phim Bụi đời Chợ Lớn bị hoãn chiếu, có khả năng sẽ không được duyệt để ra rạp nếu không chỉnh sửa, thì những người làm phim Việt mới dấy lên nỗi sợ hãi về “cây kéo kiểm duyệt”.

Nhiều phim Việt khác cũng từng lao đao như Bụi đời Chợ Lớn. Ảnh: Galaxy
Nhiều phim Việt khác cũng từng lao đao như Bụi đời Chợ Lớn.

Hoãn hay cấm chiếu ?

Trên các mạng xã hội, Facebook của giới làm phim đang lan tràn thông tin rằng: "Căn cứ vào ý kiến của các thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, Cục Điện ảnh có ý kiến như sau: Vì hiện trạng nội dung của đĩa phim Bụi đời Chợ Lớn trình thẩm định chứa đựng yếu tố bạo lực, không phản ánh đúng hiện thực của xã hội Việt Nam nên bộ phim không thể phổ biến được".

Người hâm mộ điện ảnh muốn đón xem bộ phim hành động này buồn lòng sau thông tin chính thức từ nhà sản xuất: phim sẽ bị hoãn chiếu (chưa biết cụ thể ngày nào) vì phải tiến hành chỉnh sửa để phù hợp hơn với văn hóa phương Đông theo yêu cầu của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện - Cục Điện ảnh.

Liên lạc với nhà sản xuất Galaxy và đạo diễn Charlie Nguyễn vào chiều 8.4, cả hai đều cho biết: “Phim chỉ bị hoãn vì phải chỉnh sửa, quay lại, chứ không phải bị cấm chiếu”. Tuy nhiên, việc “phải chỉnh sửa” này cũng khiến ê kíp làm phim hoang mang và lao đao, bởi không biết phải chỉnh sửa như thế nào cho hợp ý hội đồng duyệt phim.

Đạo diễn hành động Jonhny Trí Nguyễn chia sẻ: “Sau khi dựng xong những cảnh hành động thì phim có hơn 30 phút action (hành động) ác liệt. Đây là phim tâm huyết nhất của mấy anh em thực hiện từ trước tới nay nhưng phim đã không được duyệt. Khi không được duyệt rồi, bên nhà sản xuất đã cắt đi 15 phút hành động để trình duyệt lại và giấu không cho anh em hành động xem bản này vì sợ mọi người buồn, thế nhưng bản cắt này cũng đã không được chấp thuận. Làm sao bây giờ? Nghiêm túc chỉnh sửa quay lại một bộ phim cho ra chất thì rất tốn kém và khó khăn từ tổ chức lại đoàn, thuê thiết bị, đặt lịch diễn viên, cho đến 6 giai đoạn hậu kỳ... Hai bản chỉnh sửa trước đây các anh em đã lấy tiền túi ra để thực hiện, vì thuyết phục nhà đầu tư hỗ trợ thêm kinh phí cho một phim có nguy cơ không được duyệt là một chuyện bất khả thi. Nếu có thể chỉ dạy cụ thể phải chỉnh sửa như thế nào để được duyệt thì đoàn phim dễ làm hơn rồi”.

 Khi không được duyệt rồi, bên nhà sản xuất đã cắt đi 15 phút hành động để trình duyệt lại và giấu không cho anh em hành động xem bản này vì sợ mọi người buồn, thế nhưng bản cắt này cũng đã không được chấp thuận. Làm sao bây giờ? 

Đạo diễn hành động
Jonhny Trí Nguyễn

Đạo diễn Charlie Nguyễn bộc bạch: “Thật sự chúng tôi hiểu mỗi phía đều có công việc để làm của mình, chúng tôi làm phim, còn phía duyệt, họ sẽ cắt, sửa. Tôi không muốn nói nhiều, bởi chỉ muốn dung hòa tốt nhất nhiệm vụ của nhau, để hai phía đều hiểu nhau và phim tâm đắc nhất của tôi được thông qua để ra mắt khán giả. Tình trạng phim bây giờ rất lơ lửng, sửa nhiều thì sẽ hỏng phim, còn phải quay lại, dựng lại đoàn phim, bối cảnh thì thật sự kinh phí thiếu hụt. Nhưng chúng tôi vẫn rất nghiêm túc tìm hướng chỉnh sửa theo ý của hội đồng duyệt”.

Trong khi đó nhà phân phối điện ảnh XYZ films (Bắc Mỹ) cùng Quickfire Films (châu Âu) đã đưa ra một hợp đồng mua bản quyền phân phối phim này trên toàn cầu, ra mắt phim tại LHP Cannes. Tuy nhiên, theo luật Điện ảnh VN: không cho phép phổ biến phim khi chưa được duyệt, Bụi đời Chợ Lớn phải được duyệt ra rạp trong nước thì mới được phép bán phim ra nước ngoài.

Những phim cùng số phận

Làm phim vừa khổ sở vừa rủi ro thì chỉ có phim Việt. Điện ảnh nước ta còn nghèo nàn, kỹ thuật chưa hiện đại lắm để có thể làm ra những bộ phim xứng tầm hay ngang ngửa với điện ảnh các nước tiên tiến hơn.

Thế nhưng bỏ cả chục tỉ đồng ra để làm phim lại còn rủi ro như một canh bạc khi chưa biết phim ra rạp có “ăn” khán giả không, thì đã phải lo đến cây kéo kiểm duyệt vì có phim chưa được ra thị trường đã bị ách lại tại phòng duyệt phim.

Điện ảnh trước rào cản kiểm duyệt ảnh 2

Bẫy cấp 3 của đạo diễn Lê Văn Kiệt năm 2012 đã phải chết tức tưởi như thế khi bị cấm chiếu bởi lý do “phim kích động bạo lực và yếu kém về nghệ thuật”. Bi đừng sợ, từng giành hai giải trong tuần lễ Phê bình tại LHP Cannes - khi ra rạp trong nước đã bị hội đồng duyệt cắt hết những cảnh “nóng” dù những cảnh này gắn kết chặt chẽ với nội dung nên phim trở nên khó hiểu khi chiếu bản cắt.

Phim Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Giữa hai thế giới... trước khi ra rạp cũng đã có thông tin hành lang cho rằng, hội đồng duyệt phim quốc gia đã xem qua bản phim chưa dựng hậu kỳ và cho rằng màu sắc của phim quá u tối với nạn đồng tính, mại dâm nam, kinh dị... có thể sẽ cắt, gọt rất dữ.

Mới đây nhất, khi đưa phim Mỹ nhân kế đi duyệt, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã khấn vái... trên Facebook để mong phim qua ải trót lọt. Vừa làm, vừa dựng, vừa lo, vừa thăm dò “cấp trên” là tâm lý chung của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn vì nói như một người trong nghề thì “nói nhiều đến vấn đề kiểm duyệt, càng làm cho khâu duyệt phim khó khăn hơn nên ít ai dám thổ lộ”. Vì thế mà ngay đang ở tình trạng nhạy cảm, cả ê kíp Bụi đời Chợ Lớn luôn “đi nhẹ, nói khẽ” và nhắc chừng phóng viên đừng viết mạnh quá kẻo phim... đắp chiếu luôn!

Thiết nghĩ, việc cấm một tác phẩm có chất lượng kém là điều nên làm (không bàn đến phim phải cấm tiệt khi đi ngược lại thuần phong mỹ tục hay liên quan đến nhạy cảm chính trị). Nhưng thường thì mỗi người có một cảm nhận khác nhau, chưa chắc các vị trong hội đồng duyệt phim có “con mắt xanh” để nhìn ra: đâu là nên khích lệ hay cấm đoán đối với một nền điện ảnh còn non trẻ, nghèo nàn, nghiệp dư như điện ảnh Việt.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng duyệt nên phân loại độ tuổi người xem ở các phim một cách rõ ràng hơn giống như các nước khác trên thế giới, nhưng cho mãi đến nay vẫn chưa thấy quy định cụ thể.

Cấm và cắt xén phim, đôi khi không phải là điều nên làm bởi điều đó sẽ giới hạn sự sáng tạo nghệ thuật của nhà làm phim, không giúp điện ảnh VN phát triển cao hơn được. Cái thiếu sót hiện nay là không có phần trao đổi giữa những người duyệt phim và người sáng tạo. Nếu hai bên hiểu nhau hơn thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

(Điều 9, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh số 31/2009/QH12)

1. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo.

2. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.

3. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.

4. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái.

5. Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục.

6. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

Chúng tôi chỉ làm phim hành động, giải trí

Phương án sửa phim của ê kíp làm phim sẽ còn nhiêu khê, mất hơn ít nhất 1 tháng nữa mới xong là sẽ trình bày ý tưởng sửa phim như thế nào cho phía duyệt, họ sẽ tư vấn và cho ý kiến có đồng ý không thì chúng tôi mới dựa vào đó tổ chức quay thêm, rồi lại sửa sao cho hợp với “hiện thực xã hội VN” như yêu cầu, trong khi phim của chúng tôi là phim hành động điện ảnh chỉ mang tính chất giải trí.

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG